.

Rau càng cua: dinh dưỡng và chữa bệnh

Rau càng cua là loại rau không trồng mà mọc. Nhà nào có trồng cây kiểng thì trong các chậu đó có rau càng cua. Rau càng cua ngày càng được sử dụng phổ biến và trở thành một món “đặc sản” đối với nhiều người. Rau càng cua trộn tôm hay thịt trở thành món khai vị trên các bàn tiệc ở các nhà hàng.

Tên khoa học của rau càng cua là Piperomia Peliucida. Thành phần của loại rau này chứa phần lớn là nước (92%). Trong 100gram rau có 4.166 UI carotenoid, 277 mg Kali (K), 224mg Calcium (Ca), 62mg Magiê (Mg), 34 mg phosphore (P), 5,2 mg vitamine C, 3,2 mg Sắt (Fe), tuy nhiên chỉ cung cấp có… 24 calori. Do vậy rau càng cua rất tốt cho những người đang thực hiện chế độ ăn giảm cân.

Carotenoid là nhóm chất có tác dụng chống lại các tác nhân oxy hóa từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Cùng với vitamine C, carotenoid tăng cường khả năng miễn dịch, làm cho các vết thương mau lành, gia tăng sức mạnh cơ bắp, phòng ngừa xơ vữa mạch máu, thanh nhiệt và giải độc cơ thể. Các chất phosphore và calcium ngăn ngừa chứng loãng xương ở người lớn, chống bệnh còi xương ở trẻ em và giúp cho xương trẻ phát triển tốt. Chất sắt (Fe) có tác dụng “bổ máu”, rất tốt cho những người thiếu máu do thiếu sắt. Kali, Magniê cũng có vai trò quan trọng trong phòng tránh và chữa trị các bệnh tim mạch (tăng huyết áp), nội tiết (đái tháo đường) và tiêu hóa (táo bón)...

Theo quan niệm Đông y, rau càng cua tính hàn (mát, lạnh) nên có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, bổ âm huyết và dùng làm món ăn. Do đó rau càng cua được dùng làm thuốc để chữa trị các bệnh như lở miệng do nhiệt, nổi mụn nhọt, táo bón, tiểu buốt, nhức mỏi cơ bắp do thời tiết. Lưu ý những người đang mắc bệnh tiêu chảy do vị hư hàn không nên ăn rau càng cua. Dưới đây là vài cách dùng rau càng cua làm thuốc trong Đông y:

- Khô họng, khản tiếng: 100 gram rau rửa sạch nhai sống với một chút muối hoặc giã nhuyễn, xay vắt nước uống.
- Nóng nực, tiểu gắt, táo bón: 200gram rau nấu nước uống hằng ngày.
- Mụn và mụn nhọt: Lá rau càng cua rửa sạch, giã nhuyễn đắp tại chỗ.

Thạc sĩ y học MAI HỮU PHƯỚC
;
.
.
.
.
.