.

Gừng gió: vị thuốc hay

Cây gừng gió còn có tên khác: mai gan, riềng gió, ngải xanh, ngải mặt trời, riềng dại có tên khoa học Zingber zerumbert sm (thuộc họ gừng Zinbiberaceae), cao từ 1m đến 1,5m.
 
Thân rễ dạng củ phân thành nhiều nhánh, lúc non màu vàng và thơm, sau chuyển thành màu trắng và đắng. Lá mọc so le không cuống, mặt dưới có lông rải rác mép lá uốn lượn. Cụm hoa hình trứng mọc thẳng từ thân rễ (sau khi lá mọc) thường có màu lục, khi già màu hồng đỏ, đài và tràng màu trắng, cánh môi màu vàng nhạt. Quả mang hình bầu dục, hạt màu đen, có áo hạt mềm, màu trắng. Mùa hoa và quả vào tháng 5 - 6.

Cây gừng gió xuất hiện tự nhiên ở vùng núi cao của Quảng Nam, Quảng Ngãi, một số vùng rừng núi ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Người dân địa phương thường vào rừng nhổ gừng gió về trồng lấy củ  nhằm chữa trị một số bệnh như: ứ huyết, trúng gió, đau bụng, đau nhức sưng tấy..., đặc biệt là điều trị xơ gan cổ trướng đơn thuần (nghĩa là không có viêm gan siêu vi B, C dương tính và loại trừ ung thư gan) với triệu chứng: bụng to, da xanh. Theo các thầy thuốc, gừng gió có nhiều tinh dầu, dầu béo và nhựa. Trong tinh dầu có 13% các monoterpen và nhiều sesquiterpen, trong đó humulen chiếm 27%; monocyclic, sesquiterpen seton, zerumbom 37,5%.

Theo Đông y, gừng gió có vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng táng phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết, chứng trúng gió, chóng mặt nôn nao ngất xỉu, tẩy độc, bồi dưỡng sau sinh, kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ tốt, da dẻ hồng hào, tươi nhuận... Thân rễ cây gừng gió khoảng 20-30g rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít rượu, chắt nước uống chữa trúng gió, tay chân lạnh; đồng thời, lấy bã chưng nóng, xoa xát khắp người. Thân rễ gừng gió giã nát cùng với lá chàm mèo, đắp làm thuốc cầm máu vết thương, tẩy độc, chữa trị bức rức, chóng mặt muốn ngất xỉu, dùng cho phụ nữ sau sinh để kích thích ăn uống bồi dưỡng cơ thể.

Ngoài bệnh xơ gan cổ trướng đơn thuần, thân rễ gừng gió còn chữa bệnh trúng gió bị ngất, chân tay lạnh bằng cách lấy 20-30 g, rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít rượu, chắt lấy nước uống; trị mệt mõi bằng cách dùng thân rễ thái mỏng ngâm trong rượu trên 40 độ với liều 40g tươi trong 1 lít rượu, ngâm khoảng nửa tháng, uống mỗi ngày 3 ly nhỏ trước bữa ăn.

DS. Mỹ Nữ
;
.
.
.
.
.