.
Cafe sáng

Đi qua mùa hoa cúc

.

Chớm thu. Nắng nhẹ hơn, từng tia vàng vọt trải dài tít tắp phía chân mây. Bầu trời bỗng như cao và trong xanh hơn. Phía trước nhà cậu là biển Mỹ Khê, xa xa là Sơn Trà uy nghi, trầm mặc, nhạt nhòa trong màn sương đêm qua còn đọng lại, như đang ngái ngủ. Mùa này, mặt biển trong xanh, hiền hòa. Từng cơn sóng rì rào ngoài khơi xa vọng về hòa cùng những cơn gió ban mai thoang thoảng hơi mặn mòi biển khơi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sáng sớm, khi cả khu phố mới còn lặng yên, cậu thức dậy, pha ấm trà nóng, mang ra phía ban công ở tầng hai có đặt sẵn bộ bàn ghế nhỏ. Cậu ngồi khoanh tay nhìn về phía mặt trời đang lấp ló lên mặt biển, một màu đỏ au. Lâu rồi cậu vẫn thường ngồi như vậy vào mỗi sáng tinh mơ.

Cậu dời đến khu phố này đã hơn một năm. Ngôi nhà đúc 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng có vẻ cậu không bằng lòng lắm. Cậu bảo, nhà cửa hoành tráng vậy nhưng lại thấy rất chật chội. Diện tích đất rất hẹp. Chiều ngang ngôi nhà chưa được 4m, chiều dài hơn 15m. Cậu mua ngôi nhà này gần 2 tỷ đồng; đó là chưa kể sửa sang, bố trí lại phòng ốc, nghe đâu tốn thêm khá nhiều tiền. Cậu bảo, ở cái kiểu nhà phố hình ống thì sang thật nhưng sao cảm thấy tù túng, khó chịu, từ nhỏ đến giờ cậu không quen với kiểu nhà này.

Hồi còn ở xóm cũ trong một con hẻm cát nhỏ ngoằn ngoèo tại Mỹ Khê, gần chợ Bà Kỷ, gia đình cậu có ngôi nhà cấp 4 lợp ngói, đúc xi-măng trên mảnh đất thổ cư rộng hơn mấy trăm mét vuông, trông khang trang, rộng rãi và thoáng mát. Trước hiên có khoảnh đất rộng, cậu trồng nhiều cây cảnh, nào bách tán tùng, nào mai, rồi vài luống vạn thọ, cúc, thược dược, mồng gà…, trông vui mắt lắm, lại có thêm tiền để mợ phụ mua thức ăn hằng ngày.

Hồi vợ chồng cậu mợ mới cưới nhau, cha mẹ bên vợ cho gần 2 sào đất ruộng hương hỏa của ông bà để lại ở Mỹ Khê. Mấy chục năm trôi qua, năm này qua năm khác, trên mảnh đất này, cậu trồng la ghim, nào xà lách, tần ô, hành, ngò, cải, nhưng chủ yếu là trồng hoa. Hoa cúc, vạn thọ, thược dược, mồng gà, mỗi năm cậu trồng mấy lứa, quanh năm thơm ngát mùi hương. Mỗi lứa hoa, mợ gánh ra chợ Bà Kỷ, hoặc gánh xuống ngã năm, rồi bỏ gánh hoa lên phà Hà Thân để qua chợ Hàn bán lẻ, hồi cầu quay bắc qua sông Hàn chưa được xây dựng. Sau này, khi có cầu quay, mợ thuê xe ôm chở hoa đi bán, cũng có khi mấy người buôn hoa sỉ đến tận ruộng hoa để mua; mỗi lần như vậy, cậu cầm chắc trong tay cũng gần triệu bạc. Cậu khoe, ở xứ đất cát ven biển này, ngoài trồng la ghim, trồng hoa ngó bộ rứa chứ dễ có tiền hơn trồng bất cứ thứ cây chi.

Ngày ấy chưa xa lắm, Mỹ Khê còn là làng hoa khá nổi tiếng của thành phố biển này, có cả mấy chục hộ gia đình trải qua bao nhiêu thế hệ đã mưu sống bằng nghề trồng hoa.
Mấy năm nay, tuổi tác càng ngày càng lớn, lại thêm bệnh dạ dày kinh niên hành hạ nên cậu không làm gì được. Cậu cứ loanh quanh trong nhà, hết đi ra đi vào, rồi lọ mọ bước từng bước chậm chạp lên chiếc cầu thang bé xíu. Cây hoa giấy trồng đã lâu năm đều đặn một màu đỏ cháy rơi lả tả đầy góc nhỏ ngoài hiên nhà chẳng đủ làm cậu nguôi ngoai nỗi nhớ về những mùa hoa cúc vốn hằng sâu trong tâm trí.

Nhiều khi cậu thẫn thờ, ngơ ngác như người mất của. Cậu bảo, cậu nhớ những luống hoa cúc, vạn thọ đơm hoa nồng nàn mỗi sớm. Cậu thường dậy ra vườn tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ, vun xới, chăm bẵm cho hoa trong nỗi nhung nhớ người thân, nhớ bà con, nhớ mảnh đất chôn rau cắt rốn. Màu hoa dung dị, mộc mạc, tỏa hương ngọt ngào như ngấm sâu vào tâm thức của cậu, một người nông dân chính gốc từ quê chạy giặc tản cư ra sống giữa phố thị phồn hoa này.

Vừa phân trần, cậu vừa nhìn tôi. Cậu bảo, là công dân, mình chấp hành chủ trương di dời giải tỏa của thành phố là đúng, là tốt, có như thế thì thành phố mình mới xây dựng được cây cầu Rồng bắc qua con sông Hàn thơ mộng, để quận 3 một thời nghèo khó phát triển bằng anh bằng chị ở bên tê sông, để bà con mình đi ra ăn nói với thiên hạ không cảm thấy rụt rè. Và nhờ vậy, cậu từ một người nông dân thứ thiệt quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối trở thành một thị dân. Nhưng rồi như sực nhớ ra điều gì, cậu bảo vẫn thấy tiếc nuối những mùa hoa cúc, lay ơn, mồng gà, vạn thọ nồng nàn, những mùa hoa đã đi qua trong đời cậu, những loài hoa tỏa hương ngào ngạt, thanh tao quanh năm trong mảnh vườn trước sân nhà vẫn vẹn nguyên trong ký ức.

Bây giờ, mỗi ngày rằm hay mồng một, mợ ra chợ mua hoa quả về dâng cúng ông bà. Mỗi lần thấy mợ mang bó hoa cúc Đà Lạt tươi rói, mỗi bông hoa được bọc bởi lớp lưới xốp bảo vệ kỹ càng vừa bước vào nhà thì mắt cậu như sáng lên, lòng rạo rực niềm vui khó tả.

Cậu kể như phân trần, nhiều gia đình ở xóm cũ sau khi giải tỏa, không còn nơi để trồng hoa, họ vào Hòa Hải, Hòa Quý, lên Hòa Nhơn, Hòa Phú thuê mướn đất để trồng hoa, nghe đâu mỗi mùa hoa thu hoạch cũng khá, nhưng cậu thì không làm nổi vì không còn đủ sức khỏe, mặc dù yêu thích công việc cũ này lắm.

Tôi yêu hoa cúc. Cúc là loài hoa có thân thảo, mềm, thẳng, cánh hoa dung dị, quê mùa, sắc vàng rực rỡ như tỏ lòng thành kính, hương hoa thoang thoảng bay xa. Mỗi lần về Mỹ Khê, men theo con đường nhỏ từ chợ Bà Kỷ lởm chởm sỏi đá chỉ còn trong ký ức, ngang qua khu đất nơi có ngôi nhà cũ của cậu mà bây giờ đã quy hoạch thành khu dân cư mới dọc hai bên cầu Rồng chạy thẳng ra biển, hay mỗi lần ghé thăm cậu ở ngôi nhà mới nằm trong khu phố sầm uất ven biển này, lòng tôi rạo rực nỗi buồn vui khó tả. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy như mình đi qua một mùa hoa cúc rực rỡ sắc hương ngan ngát tỏa bên trời.

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.