.
Cafe sáng

Chú Ba Được

.

Chú Ba Được mất khá lâu rồi, gần 10 năm. Chú mất vì căn bệnh dạ dày, hưởng thọ 87 tuổi, cũng thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Thời gian chất chồng bao kỷ niệm nhớ thương hằng sâu trong tâm trí tôi. Chú và tôi ở cùng xóm Sa Khê, làng Hà My yêu dấu, nơi có cánh rừng Hà My chỉ còn lại trong hoài niệm của bậc cao niên và con sông Hà Sấu với bao huyền thoại.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tên của chú không phải là Được, hoặc gọi đầy đủ là Phạm Được như trong giấy khai sinh hay trong bất kỳ giấy tờ tùy thân nào của chú. Chú bảo, chú không biết tên cha mẹ đặt là gì. Theo lời chú kể lúc sinh thời, lâu lắm rồi, hình như sau Cách mạng Tháng Tám thành công thì phải, vào khoảng năm 1945, 1946 gì đó, nghe nói mùa lũ lụt năm ấy lớn lắm, nước tràn ngập cánh đồng, ruộng vườn, nhà cửa quê chú. Chưa đến 10 tuổi, do ham chơi, bị cha mẹ la đánh, hắt hủi, chú lẳng lặng ra bến sông. Nước lũ lớn nhanh, cuồn cuộn chảy. Thấy chiếc ghe buôn hàng chợ đang neo đậu bến sông, chú chạy vội ra trèo ghe lên xin chủ cho đi theo. Chú theo ghe đi mua hàng sỉ xuống chợ Hội An. Hội An lúc đó là một đô thị sầm uất bên con sông Hoài thơ mộng.

Có lần, chú kể với tôi rằng, vào một sáng sớm mùa Đông, trời mưa như trút nước. Ông Xuân, tên cúng cơm là Phạm Trữ, ở xóm Sa Khê, làng Hà My, hằng ngày thường đi buôn dầu phụng ở chợ Hội An. Ông Xuân đang đứng tần ngần trú mưa trong chợ thì bỗng nhìn thấy đứa bé lem lút, vẻ mặt thơ ngây, khờ khạo. Ông tỏ lòng thương, bèn đến gần bảo có muốn về ở với ông không. Đứa bé gục đầu. Thế là ông đem đứa bé về nuôi, đặt tên là Được, lấy họ Phạm theo họ của ông, là Phạm Được. Ông Xuân đã có con gái đầu lòng, đặt tên Hai Xuân. Những người con của ông Xuân đều gọi chú là anh Ba. Bà Xuân rất thương chú, thường may áo quần tươm tất cho chú mặc. Hằng ngày, một buổi chú đi giữ bò, một buổi theo ông Xuân phụ làm ruộng, làm vườn.

Chiến tranh chống thực dân Pháp nổ ra, chú đi tập kết miền Bắc, sau đó về làm công nhân ở nông trường Nam Đàn (Nghệ An), lấy thím Hai Nhung và lần lượt sinh 4 đứa con. Vợ chồng chú ước mơ những đứa con lớn lên học hành thành đạt và đều phải vào giảng đường đại học. Vì vậy, chú đặt tên các con là: Sinh, Viên, Đại, Học, nhưng chẳng ai làm thỏa nguyện ước mơ của chú.

Chú Ba Được nhỏ con, dáng người thấp, da trắng, giọng nói nhỏ nhẹ, tính tình hiền lành. Ngày lại ngày, tôi thấy chú thường chỉ mặc chiếc quần đùi với chiếc áo bộ đội đã bạc màu, sờn vai đi làm ruộng, làm vườn, hiếm khi thấy chú có bộ đồ nào tươm tất. Hồi còn làm nông ở quê, chú với tôi thường đi làm với nhau. Chú Ba Được làm nông rất giỏi. Việc đồng áng trong nhà, đồng trên ruộng dưới, cuốc ruộng, tát nước, cấy lúa, gặt rồi gánh lúa, trồng khoai…, một tay chú lo tất tần tật. Không chỉ vậy, những năm sau giải phóng, đời sống còn khó khăn, nhà chú lại đông con nên kinh tế rất chật vật, ruộng vườn Hợp tác xã nông nghiệp phân chia rất ít, nên chú phải đi làm thuê, cuốc mướn cho hàng xóm, có khi lấy tiền, thường là lấy gạo; hoặc chú hay đi làm ruộng, làm khoai cho bà con theo hình thức đổi công qua lại. Ngày ấy, hình thức lao động này khá phổ biến ở quê tôi.

Chú Ba còn làm những việc ít người làm được; chẳng hạn, hễ trong làng, trong xã có người qua đời đều nhờ một tay chú lo tẩm liệm chu toàn mà không tính toán tiền nong.

Khi chú còn sống, đồng lương hưu ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống gia đình đông con. Hồi đó, tôi thường qua nhà chú chơi, thấy bữa nào cũng độn nhiều khoai sắn hơn cơm, nhưng cũng không đủ cho mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vườn nhà chú rộng cả mấy ngàn mét vuông, chủ yếu trồng khoai sắn để lấy cái ăn qua ngày.

Gia đình chú sống trong ngôi nhà cấp 4 lợp tranh rạ nhỏ xíu, bốn vách tường lợp bằng lá dừa nước, cái chái tranh thấp tè phía sau dùng để đựng nào khoai lúa, áo quần của cả nhà, trông bừa bộn; cái chái bếp cũng bằng tranh đi đụng đầu, quanh năm suốt tháng nấu bằng rơm, rồi đun bằng củi dương liễu. Thời gian sau, do gia đình chú thuộc diện hộ nghèo, lại bị bão hất tung nhà, nên được xã, huyện tài trợ xây cho căn nhà mái tôn pirôximăng, dạng nhà xây để chống bão, diện tích khoảng hơn 10m2. Thế mà gia đình chú sống mấy chục năm trong ngôi nhà ấy. Thằng Sinh, thằng Viên lấy vợ, sinh con rồi làm nhà riêng ở gần nhà chú; con Học có chồng ở Hội An; thằng Đại bị bệnh thần kinh ngày ngày đi lang thang quanh làng, quanh xã, ai cho gì ăn nấy, tối mịt mù mới về nhà ngủ, không thì nằm bất kỳ đâu đó.

Gần đây, nhà chú nằm trong vùng giải tỏa để lấy đất làm khu nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng, nghe đâu nhận đền bù được 2 lô đất và mấy trăm triệu đồng. Mấy đứa con xây cho thím ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát, xây cho chú ngôi mộ đường hoàng trên nỗng cát trong nghĩa trang của xã. Ông bà ta có câu “sống cái nhà, già cái mồ”. Vậy mà đời chú đến khi nằm dưới lòng đất mới có “cái nhà” cho đường hoàng để yên nghỉ. Nghĩ mà thấy tội nghiệp chú.

Chú Ba Được đã là người thiên cổ. Thi thoảng về quê thắp hương cho người thân, tôi đến thắp hương mộ chú. Mỗi lần như thế, tôi như thấy hình ảnh thân quen của chú, người đàn ông thấp bé, săn chắc, hiền lành đang hiển hiện trước mặt tôi cùng với bao ký ức.

ĐINH VĂN DŨNG

;
.
.
.
.
.