.

Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa

.

NXB Thông tin và Truyền thông vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài, của PGS, TS Trương Minh Dục. Đây là cuốn sách được biên soạn công phu, thận trọng, sưu tầm và tập hợp những tư liệu quý, bổ ích của nhiều sử gia, học giả, nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài qua các thời kỳ lịch sử quan tâm đến sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Những tư liệu lịch sử, pháp lý được tác giả sưu tầm và thể hiện trong nội dung cuốn sách rất phong phú và bổ ích không chỉ cho việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được các thế hệ người Việt Nam chiếm hữu, quản lý, khai thác trong nhiều thế kỷ qua, mà còn là tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho mọi người dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới hiểu biết sâu sắc hơn về sự thật lịch sử của hai quần đảo này; đồng thời đấu tranh với mọi mưu toan của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc muốn chiếm đoạt Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Chắc hẳn không phải mọi người dân Việt Nam đều hiểu biết một cách tường minh về nguồn gốc lịch sử, vị trí địa lý cũng như việc chiếm hữu, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng khi nói đến Hoàng Sa và Trường Sa thì không một người dân Việt Nam nào, dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số đều không biết đó là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Bởi lẽ, hai địa danh Hoàng Sa và Trường Sa đã thấm sâu vào máu thịt của mọi người dân đất Việt. Cho nên, khi nói đến chủ quyền quốc gia Việt Nam không thể không nói đến Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, khi nói đến Hoàng Sa và Trường Sa là nói đến lãnh thổ Việt Nam thống nhất.

Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; đi ngược Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; trái với các thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; trái với tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002; gây mất ổn định và đe dọa đến hòa bình, an ninh ở Biển Đông; gây quan ngại sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Tuy vậy, Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình thông qua con đường đối thoại và ngoại giao để buộc Trung Quốc phải trả lại quần đảo Hoàng Sa, rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì vậy, việc cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài càng bổ sung tư liệu lịch sử quý giá để Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc những sử liệu và cơ sở pháp lý về chủ quyền quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trình bày khái quát ở 4 chương:

Chương 1: Vài nét về địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và sự tiếp cận của các tộc người Việt Nam trước thế kỷ XV.

Chương này khái quát vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và thổ nhưỡng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vị trí chiến lược của hai quần đảo này và các tộc người Việt Nam với Biển Đông nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng trước thế kỷ XV.
Chương 2: Chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam (từ thời Hậu Lê - thế kỷ XV đến năm 1975).

Trong chương 2, tác giả đề cập các nội dung: Nhà nước Việt Nam đã chiếm giữ và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu dưới thời Hậu Lệ, Tây Sơn và triều Nguyễn; Việt Nam thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu thời kỳ từ năm 1884-1975.

Chương 3: Tư liệu nước ngoài trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm: tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam; tài liệu phương Tây ghi nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và một vài nhận xét, đánh giá.

Chương 4: Đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ sau khi thống nhất đất nước.

Nội dung chương 4 trình bày sơ lược quá trình Trung Quốc và các nước vi phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1975 đến nay.

Ngoài những nội dung chính được trình bày ở 4 chương nói trên, cuốn sách còn có phần phụ lục khá phong phú giới thiệu một số hình bản đồ cổ của Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc là minh chứng trực tiếp hay gián tiếp khẳng định, bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1884-1975.

Với những tư liệu phong phú của Việt Nam và nước ngoài nói về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được trình bày có hệ thống, chặt chẽ và logic trong cuốn sách Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài của PGS, TS Trương Minh Dục cho ta cái nhìn đầy đủ, toàn diện, khách quan bức tranh toàn cảnh về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là cuốn cẩm nang hữu ích cho những ai quan tâm đến cội nguồn lịch sử về chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp 40 năm nay.

PGS, TS PHẠM HẢO

;
.
.
.
.
.