.
Café sáng

Hồi niệm chợ quê

.

Mỗi tuần về quê, tôi thường lân la xuống chợ ở đầu làng. Có khi không mua gì, mà chỉ nhìn ngắm người ta mua bán, rồi ngẫm ra bao điều thú vị…

Chợ quê thường thể hiện đa chiều các sắc thái văn hóa, kinh tế của một vùng đất.  					                     Ảnh: T.Đ.THẮNG
Chợ quê thường thể hiện đa chiều các sắc thái văn hóa, kinh tế của một vùng đất. Ảnh: T.Đ.THẮNG

Theo Đại Nam Nhất thống chí của Cao Xuân Dục, cuối thế kỷ 19, toàn tỉnh Quảng Nam có đến 64 cái chợ. Chỉ có vài cái chợ phố ở tỉnh, thành; còn lại tất cả là chợ quê. Chợ thường gần đường thiên lý nhưng luôn gắn liền với bến sông ghe thuyền tấp nập. Đó là hệ quả của giao thông đường thủy đang chiếm lĩnh ưu thế đương thời…

Chợ vì vậy là nơi tích tụ, thể hiện đa chiều các sắc thái văn hóa, kinh tế của mỗi vùng đất. Chợ phiên Cam Lộ (Quảng Trị) thể hiện những sắc thái trao đổi hàng hóa giao lưu của các tộc người miền đồng bằng, miền biển với các bộ lạc người Pa-cô, người Lào… phía thượng nguồn sông Hiếu.

Chợ Phú Bông hay chợ Vải (Điện Bàn, Quảng Nam) chuyên bán vải sợi cung cấp cho ghe thuyền nước ngoài ở cảng Trà Nhiêu, thế hiện thế mạnh trồng dâu nuôi tằm và nghề thủ công nghiệp của những vùng đất dọc sông Thu Bồn, ở đó còn có những thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng ra chợ sau những ngày ngồi đưa thoi “đan mành màng” trước khung cửi.

Chợ Trung Phước (Nông Sơn) một thời là nơi quy tụ của các văn nghệ sĩ, trí thức cả vùng Quảng Nam sau toàn quốc kháng chiến, lại lưu dấu nhiều giai thoại, chuyện kể hấp dẫn về họ… Mỗi vùng như vậy, nếu ta chịu khó đến thăm chơi, mua sắm, chuyện trò, sẽ biết thêm nhiều chuyện, nhiều sự kiện sinh động từ lịch sử đã lùi xa đến đời sống hiện nay…

Sinh thời, nhà văn Thanh Tịnh bảo đi du lịch bất cứ đâu cũng đừng bỏ qua việc đến thăm các chợ, là vì vậy. Nhiều người đi ăn thường vào chợ, chọn hàng quán có nhiều phụ nữ ăn nhất, chắc chắn ở đó phải ngon và rẻ…

“Trai khôn tìm vợ chợ đông…” là câu ca dao còn đọng lại như một lời khuyên của ông cha ta, cho thấy người phụ nữ đẹp còn là người giỏi buôn bán, lời ăn tiếng nói dịu dàng; họ sẽ là những “nội tướng” xứng đáng cho các bậc nam nhi… Chỉ có ở chợ, những va chạm vật chất và tinh thần giữa người với người mới bộc lộ ra hết bản chất.

Nếu chợ Vải, chợ Củi, chợ Nồi Rang, chợ Cối, chợ Gạo… gắn liền với tên loại đặc sản mà người ta sản xuất và buôn bán trong một vùng, thì cũng có những ngôi chợ gắn liền với một cây cổ thụ nào đó như: Chợ Cây Cốc, chợ Cây Trâm… Có chợ lại gắn với phiên đông mỗi ngày như: Chợ Chiều, chợ Mai, hay gắn với một xứ đất, cây cầu, cái miếu cổ như: chợ Quảng Huế, chợ Gò, chợ Cồn, chợ Bàn Thạch, chợ Miếu Bông, chợ Cầu Mống …

Nhưng dù mang tên gì, chợ quê luôn thuận lợi cho việc trao đổi những loại sản vật, hàng hóa dù nhỏ lẻ đến đâu mà người dân muốn bán và có người muốn mua. Chị tôi ra vườn bẻ mấy cái mụt măng, chặt buồng chuối vừa chín cũng có thể mang ra chợ. Có người xách rổ đi chợ không quên bưng theo ổ trứng gà vừa đẻ để lấy tiền mua sắm những thứ cần dùng thường nhật…

Ở chợ quê, lại có chuyện “mua chịu” rất lý thú mà ở thành phố không thể có, tại các siêu thị thì điều này lại càng xa lạ! Đơn giản vì người ở quê biết nhau từng gia cảnh, có khi là bà con, họ hàng, thông sui gia nhau. Bán cho người này mét vải may quần áo cho con trước năm học, người kia lại mua chịu mấy ký thịt, vài ký phân hóa học…, đến mùa bán lúa, bán đậu trả.

Mẹ tôi hồi xưa bán vịt con cho nhiều gia đình nông thôn cũng không lấy tiền ngay mà mãi đến mùa gặt mới đến tận nhà để lấy lúa trừ vào. Cha tôi đau, bà cụ bán thịt bò bảo mẹ cứ lấy mỗi ngày một lạng về nấu cháo, tiền bạc tính sau, miễn “chú nó lành bệnh thì bao nhiêu tiền không có!”. Người nông thôn vào ngày mùa bận rộn, có khi một người lại đi chợ hộ cho nhiều người trong xóm. Bà A gửi mua chai nước mắm, chị B gửi mua mớ cá, vài lạng thịt là chuyện thường. Bà nội tôi bán trầu cau ở chợ, bữa nào về tới nhà cũng chia cá, chia thịt, mua dùm cho lối xóm…

Tất cả sắc thái đặc thù này ở mỗi chợ quê, lạ thay, lại là những chất keo gắn chặt tình lân lý, tối lửa tắt đèn có nhau!

Bây giờ đang là thời kỳ đô thị hóa rầm rộ. Các làng quê, các xã rậm rịch lên phường, lên thị trấn, thị xã. Rồi vườn tược phân lô xây nhà ống. Cái hàng rao chè tàu, cái giậu dâm bụt không còn nữa, ai ra đường bằng ngõ nhà nấy, qua trụ bê-tông, cứa sắt then cài. Vào chợ là vào nhà lồng, vào ki-ốt, tủ kính sạch bong, bảng quảng cáo nham nhở sắc màu, đèn màu nhấp nháy, kẻ mua người bán xa lạ dần, tiền tươi và thóc thật sòng phẳng… Tình lân lý sẽ ra sao? Tôi cứ sợ nơm nớp sẽ không bao lâu nữa, những cái chợ quê mình yêu thương sẽ dần mất dạng!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.