.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Nặng lòng trong từng khúc hát

.

Hơn 30 năm đứng trên sân khấu của Ánh Tuyết, vẫn khúc hát ngày xưa, trái tim ngày xưa, sự yêu nghề ngày xưa và nặng lòng với từng khúc hát như ngày xưa.

Ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong đêm nhạc “Trịnh ca” tại Nhà hát Trưng Vương, tháng 4-2015.  	                                                       Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong đêm nhạc “Trịnh ca” tại Nhà hát Trưng Vương, tháng 4-2015. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Trút tâm tư vào âm nhạc

Gần 3 tháng nay, Ánh Tuyết dọn về sống cùng mẹ già và anh em tại mảnh vườn ở huyện ngoại thành Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó có ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà dài, không lầu, không gian thoáng đãng. Trước nhà là những khóm hoa bằng lăng tím ngắt, bên hông là vườn cây trái trĩu quả, sau nhà là ao sen nở bông 4 mùa, từ sân thượng nhìn ra là đồng lúa bát ngát. Ngôi vườn này là tâm huyết của Ánh Tuyết để mẹ được phụng dưỡng tuổi già, các anh chị em quây quần với nhau. Từ ngày về đây, bước chân của chị mỗi sớm ra khỏi nhà đã thong thả, nhẹ nhàng hơn. Ánh Tuyết bây giờ có vẻ bình yên, bình lặng trong những lo toan của cuộc sống thường nhật.

Nhưng căn bệnh thoát vị đĩa đệm gây đau nhức kinh niên làm sức khỏe chị không tốt như xưa. Chị đau đớn khi ăn, khi uống, khi đi, khi ngồi, đau cả trong giấc ngủ. Thành ra, Ánh Tuyết hạn chế đi hát. Dù vậy, chị vẫn mê hát và nếu lên sân khấu, Ánh Tuyết quên hẳn những cơn đau.

“Ai lướt... đi ngoài sương gió” (Buồn tàn thu), gần 20 năm, có cảm giác câu hát ấy chỉ dành cho Ánh Tuyết. Chữ “lướt” qua giọng hát của chị thật không có gì sánh bằng. Lả lướt, liêu trai. Thật ra Ánh Tuyết không phải là ca sĩ quyến rũ thường xuyên trong giọng hát, nhưng chị biết cách hớp hồn người nghe trong một vài khoảnh khắc đột ngột đến se lòng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nói rằng, giọng hát Ánh Tuyết cao vút, trong trẻo, véo von, bay bổng. Một Suối mơ, một Thiên thai hay một Trương Chi huyền ảo, chơi vơi như có như không. Nhưng đâu chỉ có vậy! Không chỉ là giọng hát hay mà ẩn chứa sâu thẳm là sức sống nội tâm, tâm hồn nghệ sĩ đầy khắc khoải với nghề, với đời. Người ta vẫn thấy hình ảnh Ánh Tuyết thướt tha trong áo dài trên sân khấu, thăng hoa trong từng câu hát. Chị kiệm những nụ cười. Gương mặt có gì đó đượm buồn khó tả, nhất là đôi mắt: mơ màng và lắm lúc rưng rưng. Và giọng ca thánh thót, lắm khi nức nở.

Nếu không trút tâm tư vào từng câu hát thì sẽ không có những tiếng hát nức nở như thế. Ánh Tuyết nhiều lần thú thật: “Tôi luôn hát chân thật bằng cảm xúc của mình. Bao nhiêu nỗi buồn khó tỏ, tôi chọn âm nhạc làm người bạn sẻ chia. Âm nhạc giúp tôi được giải tỏa những khúc mắc, những điều mình muốn nói mà không nói được, giúp tôi nhẹ nhõm hơn”. Chị đã đi qua không ít khó khăn và đắng cay, nay chị mang theo nỗi lòng mình gửi vào từng câu hát.

Cũng hơn 30 năm, dù hát ở chợ quê, bệnh viện; dù là sân khấu xập xệ hay sang trọng, Ánh Tuyết cũng tôn trọng tuyệt đối khán giả. Đến giờ này, mỗi lần chị quyết định bước ra sân khấu thì đó phải là sự chuẩn bị thật kỹ càng, không chỉ chuẩn bị từ việc tập tành lại bài hát mà còn ở dáng hình. Có lần chị bảo: “Dạo này tôi đang cố gắng ốm thêm vài ký, vậy mặc áo dài mới đẹp. Người nghệ sĩ đâu phải chỉ biết giữ giọng mà còn phải giữ dáng, giữ sức khỏe”. Chị còn bảo giờ vẫn run và xúc động, cứ nghe giai điệu và cất tiếng hát là như lần đầu, cứ khán giả vỗ tay là nổi gai ốc.

Gan góc đi qua khó khăn

Trong đời một người nghệ sĩ, Ánh Tuyết đã gặt hái được nhiều thành công. Chị có giọng ca tốt, được phát hiện sớm. 8 tuổi, chị đã đoạt quán quân các cuộc thi hát ở thị xã quê nhà và 12 tuổi giành giải nhất toàn quốc (toàn miền Nam lúc ấy). 17 tuổi, chị được tuyển chọn vào Đoàn ca múa Quảng Nam-Đà Nẵng. Nhưng Ánh Tuyết không có ngoại hình đẹp, nói cách khác là không sáng sân khấu cho lắm. Ký ức vẫn còn nguyên, cô bé Tiếc ít trọng lượng, ít chiều cao, đen thui, thường quảy gánh nước nặng trên vai kiếm tiền phụ mẹ nuôi em ở mảnh đất Hội An.

Đến tuổi thiếu nữ, Ánh Tuyết cũng chẳng gây ấn tượng gì đặc biệt. Da chị không trắng, chân chị không dài, mặt mũi quê kệch. Chỉ khi chị cất tiếng hát mới làm rung chuyển cả khán phòng. Nhưng ngày ấy, không ít ông bầu hát xem nhẹ giọng hát, xem trọng ngoại hình. Những ánh mắt coi thường, lời nói vào ra khó nghe, Ánh Tuyết đã trải qua cả.

Năm 1984, Ánh Tuyết vào thành phố Hồ Chí Minh. Để có thể cất tiếng hát ở một mảnh đất mới, phần nhiều do bản thân chị nỗ lực. Có cảm giác chị vừa phấn đấu làm nghề, vừa lau mồ hôi; có lúc vừa làm nghề, vừa quát tháo, hậm hực. “Tại sao mình có thừa tài năng, nhiệt huyết, đam mê mà vẫn không vươn lên được?”, đó là những đêm Ánh Tuyết nằm gác tay lên trán, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà tự hỏi.

Có lần Ánh Tuyết tâm sự trong một bài viết về nhạc sĩ Văn Cao: “Một chặng đường đã khá dài, hơn 20 năm đầy đam mê, cứ loay hoay hoài trong nỗi thiếu thốn chật vật chẳng đủ nuôi sống bản thân mà con đường nghệ thuật thì chẳng tới đâu. Dù tôi đã luôn cố gắng đánh đu với nghiệp dĩ. Khi mà số phận cuộc đời phía trước thật hoang mang, chưa biết sẽ làm gì, đi đâu hay về đâu”.

Những lúc buồn vui trong cuộc sống lúc đó, Ánh Tuyết hầu như không có ai để nâng đỡ hay động viên. Nhưng chị có quyết tâm cao, giỏi chịu đựng và không bao giờ bỏ cuộc. Chị kể, có lần đi hát, bị một nhóm khán giả hò hét và đuổi xuống sân khấu chỉ vì cái “tội” hát dòng nhạc tiền chiến, nhưng chị vẫn bản lĩnh hát cho hết bài, sau đó khán giả lại vỗ tay.

Không được sinh ra trong môi trường thuận lợi để đợi những may mắn đến với mình, Ánh Tuyết bắt đầu đi xây dựng ước mơ với nghề từ một cô gái lủi thủi, lang thang, bôn ba, xuôi ngược đi hát để kiếm tiền ở mảnh đất miền Nam, chịu bao nhiêu áp lực từ cuộc sống phức tạp, ganh đua. Nếu không phải là sự nỗ lực khác thường, một người con gái chân quê sẽ không cách nào vượt qua mọi thứ. Những người đã chứng kiến sự nỗ lực của Ánh Tuyết đều bảo vừa xót xa, vừa khâm phục chị.

Giờ đây, nếu có ai hỏi vì sao Ánh Tuyết gặp quá nhiều trắc trở, chị thường trả lời rằng, tính cách là một phần quan trọng tạo nên số phận. Chính sự thẳng thắn, bộc trực làm chị gặp khó hơn trong đời sống. “Tôi ngang bướng, làm theo ý mình chứ không theo sự áp đặt của người khác. Tôi vốn là đứa con gái quê mùa, lăn lóc với đời, mình trần thân trụi, lầm lũi mãi, bị vùi dập mãi rồi cũng phải mạnh mẽ thêm lên”.

Một tính cách “rất Quảng”

Ánh Tuyết là ca sĩ rất có cá tính, phần lớn là một cá tính “rất Quảng”. Chị thẳng thắn, bất cần, bướng bỉnh, kiêu hãnh. Nhưng buông công việc ra, chị hồn nhiên như một đứa trẻ. Lời nói, cử chỉ không bao giờ cân nhắc, cứ tuôn trào một cách tự nhiên. Một khi chị đã có hứng, có thể ngồi nói chuyện cả ngày, không màng ăn uống. Một khi chị đã không thích, cạy miệng nửa lời chị cũng im. Chị không thủ đoạn ở trong lòng, không hoa mỹ ở lời nói, không có tài lấy lòng người khác theo kiểu xã giao.

Ánh Tuyết có ngẫu hứng thật sự trong nghề lẫn cuộc sống. Chị ngẫu hứng đến bất ngờ, khó ai kiểm soát nổi và chẳng ai ngờ nổi. Ví dụ, để ra album, làm liveshow, ca sĩ phải chuẩn bị trước cả năm, thậm chí vài ba năm. Ánh Tuyết không vậy. Chị đùng đùng làm liveshow, đúng đùng tổ chức các đêm nhạc, đùng đùng làm album. Như lần ra album Đi tìm, hát những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn rất “nổi loạn” hay đợt làm album hát nhạc bolero bằng tiếng Quảng, chị làm những điều mà người khác có khi không dám hoặc không nghĩ tới. Nhưng khi có hứng, Ánh Tuyết quyết thực hiện cho bằng được.

Nhân nói chuyện này, hiếm ai yêu quê hương mình như Ánh Tuyết. Chị được khán giả xứ Quảng ở thành phố Hồ Chí Minh gọi là “người giữ lửa tiếng Quảng”. Cái giọng Quảng nói đã khó nghe, vậy mà chị lại hát giọng Quảng trong các ca khúc bolero: “chiều nồ” (chiều nào), “xô xiếng” (xao xuyến), “chẻng thấy đao” (chẳng thấy đâu), “lồm reng” (làm sao)… Thế mới biết Ánh Tuyết yêu quê hương đến chừng nào! Mỗi lần về quê, chị đều nói rặt tiếng Quảng như sợ đánh mất giọng quê hương. Chị mua đủ thứ quà quê mang vào thành phố Hồ Chí Minh cho bạn bè. Không những thế, dù sống xa quê đã lâu, trên bàn ăn của chị bao giờ cũng đầy hương vị Quảng.

Với cuộc sống của mình, Ánh Tuyết coi như mãn nguyện, chẳng “đau đớn” cái gì thêm nữa. Chị an nhiên, tự tại, vui sống. Nhưng thời gian dường như không rửa sạch hết nhọc nhằn trên gương mặt, khóe mắt. Người đàn bà xứ Quảng vẫn còn đó nét u buồn, khắc khổ, ánh mắt sâu vẫn chất chứa âu lo. “Biết bao nhiêu cái để nhớ, để buồn, để đau, còn nhiều lắm! Phải biết thu nạp cái mới, gạt bỏ hết cái cũ, sống cho hiện tại và ngày mai”, chị bảo vậy.

MINH NGA

;
.
.
.
.
.