.

Phong Nha - Kẻ Bàng lần thứ 2 được công nhận di sản thế giới

.

Tại phiên họp lần thứ 39 diễn ra ở Bonn (Đức) UNESCO đã công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thế giới về tiêu chí đa dạng sinh học.

Rừng cây trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Doobdt
Rừng cây trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Doobdt

Ngày 3-7, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết thông tin này.

Như vậy, đây là lần thứ hai Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc đã công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) là Di sản thế giới.

Trước đó, vào tháng 7-2003  Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới ở tiêu chí địa chất địa mạo.

Theo ông Hoài, UNESCO cũng chấp thuận mở rộng Vườn quốc gia PN-KB từ 85,754 ha lên 123,326 ha.

Hồ sơ đệ trình UNESCO lần thứ 2 nhấn mạnh về sự đa dạng sinh học ở PN-KB như sự nổi bật và đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn (tiêu chí IX), sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học (tiêu chí X).

Là khu vực chứa đựng những giá trị nổi bật có giá trị toàn cầu về hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Hệ sinh thái rừng ở PN-KB có đặc tính thường xanh trên núi đá vôi (71.000ha), với diện tích lớn rừng nguyên sinh có độ che phủ là 94%. PN-KB tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m với diện tích 22.500ha là kiểu rừng độc đáo nhất ở VN và trên thế giới.

Có một diện tích đến 1.000ha rừng là loài cây bách xanh mọc trên núi đá (Calocedrus rupestris) ở độ cao trên 700m đã được xác định là loài mới và đặc hữu trên núi đá vôi của Việt Nam được coi là kiểu rừng duy nhất trên thế giới nên có ý nghĩa toàn cầu.

Thống kê cho thấy PN-KB có 193 họ, 906 chi và 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong số đó có 116 loài thực vật bị đe doạ và 62 loài ghi trong Sách đỏ VN, 79 loài có mức độ đe doạ toàn cầu được ghi trong Sách đỏ thế giới của IUCN. Khu hệ thực vật có tới 419 taxa đặc hữu của Việt Nam, trong đó nhóm lan có tới 28 loài.

Về động vật, PN-KB có 735 loài động vật có xương sống, với 127 loài bị đe dọa, trong đó có 91 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam, 72 loài ghi trong sách đỏ IUCN 2006. Trong số 41 loài động vật đặc hữu cho dãy Trường Sơn có 30 loài đặc hữu hẹp cho VN.

Trong số các loài động vật có xương sống đã ghi nhận 132 loài thú, trong đó có 46 loài được mô tả trong sách Đỏ VN, 34 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN 2006. Đặc biệt khu hệ thú có tới 9 loài đặc hữu hẹp cho dãy Trường Sơn, trong đó có 2 loài đặc hữu của VN.

Có mặt ở đây một số loài có ý nghĩa khoa học, bị đe dọa nguy cấp và rất nguy cấp ở mức toàn cầu là Voọc hà tĩnh (Trachypithecus laotum hatinhensis)  chà vá chân nâu…

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.