.
NHẠC SĨ AN THUYÊN

Gửi lại những giai điệu dân ca ngọt ngào

.

Nền âm nhạc Việt Nam vừa đau đớn tiễn biệt những vị nhạc sĩ tài hoa liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn, từ GS Trần Văn Khê, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, đến An Thuyên. Trong đó, nhạc sĩ An Thuyên được xem là gương mặt tiêu biểu của dòng âm nhạc dân gian đương đại.

Nhạc sĩ An Thuyên.                                   Ảnh: NGUYỄN Á
Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: NGUYỄN Á

Nhạc sĩ An Thuyên được biết đến từ tác phẩm đầu tay: Em chọn lối này, đến các tác phẩm: Ðêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, rồi Khi xe tăng qua miền quan họ, Huế thương, Neo đậu bến quê... Tất cả bài hát mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng đó đã đi vào lòng đông đảo công chúng yêu âm nhạc, khẳng định tên tuổi của ông trong làng nhạc Việt.

Con đường riêng trong sáng tác

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), vùng đất gắn liền với nhiều nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, ngay từ nhỏ, An Thuyên đã quen với hình ảnh chiều chiều trên những triền đê, đám trẻ chăn trâu thổi sáo, những tiếng sáo diều vi vu sau rặng tre và cả tiếng cồng chiêng giòn giã của đồng bào dân tộc ít người... Môi trường đầy chất âm nhạc dân gian đó như dòng sữa mát trong lành tác động trực tiếp đến thiên hướng sáng tác của ông sau này.

Ai từng biết nhạc sĩ An Thuyên đều phải thốt lên rằng, âm nhạc của ông đưa người nghe về với dòng sông, bến nước, con đò và những gì gắn bó với những miền quê tươi đẹp. Ông đã tạo ra con đường riêng trong sáng tác với những ca khúc đẹp, mang âm hưởng dân gian.

Sinh thời, nhạc sĩ chia sẻ, trong số hàng trăm sáng tác của mình, ông yêu nhất là tác phẩm đầu tay Em chọn lối này bởi ca từ rất hồn nhiên. Bài hát xuất phát từ bài dân ca Thái: “Trên rừng nhiều đường lắm lối, em chọn con đường tình yêu của anh suốt đời”. Ông viết tác phẩm này trong 30 phút khi mới 21 tuổi và chưa học gì về sáng tác nhưng đến tận hôm nay vẫn không thể chỉnh sửa một từ, một nốt nhạc nào.

Lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian nhưng người nhạc sĩ mặc áo lính ấy luôn nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Điều này giúp ông có được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca.

Trong gia tài của An Thuyên có nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến những tác phẩm mang đậm âm hưởng dân gian của các vùng quê trên cả nước như: Huế thương, Ca dao em và tôi, Chín bậc tình yêu, Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác… Ông cũng viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công; viết nhạc cho phim và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo... Ngoài ra, ông còn sáng tác cho khí nhạc và dàn nhạc giao hưởng.

Góp phần đào tạo nhiều tài năng nghệ thuật

Nhạc sĩ An Thuyên về Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội làm quản lý từ năm 1991. Dưới sự dẫn dắt của ông, trường được lên cao đẳng vào năm 1995, rồi lên đại học vào năm 2006. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội cũng đã khẳng định tên tuổi trong sự nghiệp đào tạo nghệ thuật đầy vinh quang. Gần 20 năm, ông cùng tập thể nhà trường thổi ngọn lửa đam mê âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò, đào tạo nhiều tài năng nghệ thuật cho quân đội và cho đất nước.

Nhạc sĩ An Thuyên đã đóng góp cho thành phố Đà Nẵng ca khúc Sông Hàn, tình yêu của tôi với giai điệu ngọt ngào, thấm đẫm chất liệu dân ca.

Khi nghỉ hưu, ông thành lập và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội là tổ chức phi chính phủ về văn hóa đầu tiên ở Việt Nam, hoạt động với mục tiêu cùng các doanh nghiệp và xã hội phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Gắn bó và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội nhiều năm nhưng An Thuyên không lơ là việc sáng tác. Bên cạnh những tác phẩm đi cùng năm tháng, ông cũng có thêm những ca khúc gắn với thế sự, mang hơi thở thời cuộc. Trong đó phải kể đến Tiếng đàn - ca khúc như tiếng tơ lòng, thể hiện sự kính phục, yêu mến của người nhạc sĩ tài hoa với vị Đại tướng của dân tộc Võ Nguyên Giáp, được sáng tác năm 2013 khi Đại tướng vừa qua đời. Tiếp đến là tác phẩm Hành khúc Biển Đông ra đời năm 2014 sau những ngày Biển Đông dậy sóng. Bài hát là lời nhắn nhủ người dân Việt Nam hãy đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở giữ gìn nên hòa bình chung của thế giới.

Sự thành công trong lĩnh vực âm nhạc của An Thuyên đã được ghi nhận. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật năm 2007 với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc. Bên cạnh đó, ông còn nhận được tặng nhiều giải thưởng như giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng năm 1984; giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985; giải nhất cuộc thi của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1985…

Vị nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng này cũng vừa vinh dự nhận được giải “Cống hiến cho tuổi trẻ thủ đô” do Thành Đoàn Hà Nội trao tặng. Chương trình Bài hát Việt trong dịp tổng kết 10 năm cũng trao giải “Cống hiến” cho ông.

Bên cạnh những thành công ấy, sinh thời, An Thuyên luôn tự hào vì mình có gia đình đều làm nghệ thuật và hầu hết đều “ăn lương” quân đội. Hai người con của ông tham gia hoạt động âm nhạc và đều rất thành công, đó là nhạc sĩ An Hiếu, hiện công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội và ca sĩ Bông Mai, hiện công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhạc sĩ An Thuyên vừa bước vào cõi vĩnh hằng. Song, ông đã gửi lại trần thế Nửa vầng trăng, những câu dân ca Đò đưa nhớ Bác cùng cả một miền Huế thương cho những bạn bè, người yêu nhạc, những thế hệ học trò và cộng đồng người yêu nhạc Việt.

TTXVN

;
.
.
.
.
.