"Bàn cờ thế" châu Phi thay đổi

.

Tuần trước, Mỹ thông báo đã đồng ý với chủ trương sẽ rút 1.100 binh sĩ khỏi căn cứ quân sự Agadez tại Niger. Đây là quyết định được giới quan sát hết sức quan tâm khi Niger là điểm đứng chân quan trọng của Mỹ tại “lục địa đen” trong chiến dịch theo dõi và diệt trừ khủng bố. Sahel là tên gọi dải đất nằm ở phía nam sa mạc Sahara, trải dài từ Đại Tây Dương ở phía tây đến biển Đỏ ở phía đông châu Phi, bao gồm các nước như Mali, Niger, Chad, Sudan, Nigeria, Mauritania, Senegal…

Như vậy Mỹ đã mất thêm một điểm chiến lược khác nữa trong hoạt động theo dõi các nhóm vũ trang tại Libya và trên toàn khu vực Sahel. Đáng nói hơn, nó diễn ở cùng một thời điểm mà tầm ảnh hưởng của Nga đang gia tăng không chỉ tại Niger mà còn ở nhiều quốc gia châu Phi khác. Xu thế bài Pháp, xa Mỹ và xích lại gần hơn với Nga của các nước trong vùng Sahel đã được truyền thông phương Tây bàn bạc nhiều thời gian qua. Bốn tháng trước, các binh sĩ Pháp cũng đã buộc phải rút khỏi Niger theo yêu cầu của chính quyền quân sự nước này. Và trong động thái hiếm hoi, Pháp cũng quyết định đóng cửa Đại sứ quán của họ tại thủ đô Niamey của Niger.

Việc Mỹ đi đến quyết định rút quân khỏi Niger được giới quan sát nhìn nhận như bước lùi nghiêm trọng về chiến lược ngoại giao. Và như thế, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng sẽ buộc phải tư duy lại chiến lược chống khủng bố sau diễn biến này.

Kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào tháng 7-2023, Mỹ đã cố gắng thương lượng với chính quyền được lập ra sau đó của tướng Abdourahamane Tiani để tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Niger cho sứ mệnh chống khủng bố. Tuy nhiên, giống như lãnh đạo các nước Mali, Burkina Faso, lãnh đạo Niger hiện nay không còn muốn binh lính Mỹ tiếp tục đồn trú tại nước họ.

Theo đó, ngày 16-3, chính phủ Niger công khai chỉ trích các thỏa thuận quốc phòng điều kiện ký năm 2012 vốn cho phép sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này. Nhằm gia tăng sức ép với việc rút quân của Mỹ dự kiến diễn ra trong vài tuần tới, ngày 21-4, hàng ngàn người dân Niger xuống đường biểu tình tại Agadez với những băng-rôn khẩu hiệu: “Đây là Agadez, không phải Washington. Quân đội Mỹ hãy về nhà”.

Trong mắt giới quan sát phương Tây, nguyên nhân cho những diễn biến này không khó đoán, bởi thời gian qua Nga tăng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại “lục địa đen”. Và nếu đây được coi là thất bại của Mỹ về chiến lược ngoại giao, thì lại được nhìn nhận như chiến thắng chiến lược đến với Nga.

Thực tế đã có những tín hiệu cụ thể diễn ra cùng thời điểm này cho thấy điều đó. Trước khi có thông báo rút quân của Mỹ, ngày 10-4, khoảng 100 chuyên viên huấn luyện thuộc lực lượng Africa Corps, lực lượng bán quân sự của Nga đang đóng tại khu vực Sahel, tới thủ đô Niamey với nhiệm vụ chính là huấn luyện quân đội Niger, nhất là cách sử dụng hệ thống phòng không chống máy bay do Nga cung cấp. Khoảng 3 tháng trước, Thủ tướng Niger tới Tehran để thúc đẩy quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Iran.

Các diễn biến liên quan việc rút quân của lính Mỹ cũng rất giống với những gì từng diễn ra với quân đội Pháp khi họ rút khỏi Niger cuối năm 2023. Khi đó, chính quyền quân sự cũng lên án thỏa thuận quốc phòng với Pháp trong quá khứ và sau đó là cuộc rút quân không tránh khỏi.

Trong bối cảnh đó, mạng xã hội ngày 18-4 rò rỉ bức thư được cho là của các tướng lĩnh quân đội Cộng hòa Chad gửi cho nhau, trong đó đề cập việc nước này sẽ yêu cầu Mỹ rút quân. Dù tới lúc này, chưa có thông tin xác thực về nội dung bức thư và phía Mỹ vẫn khẳng định chưa nhận yêu cầu rút quân nào từ nước này, nhưng trong vai trò là đồng minh còn lại cuối cùng của phương Tây tại khu vực, Cộng hòa Chad cũng đang bị nghi ngờ đã dịch chuyển trong lựa chọn liên minh. Chuyến công du Nga và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 1-2024 của Tổng thống Cộng hòa Chad Mahamat Déby được cho là chỉ dấu đáng ngờ.

Tuy nhiên, Nga không phải quốc gia duy nhất muốn tăng cường ảnh hưởng tại vùng Sahel. Thực tế, các nước như Niger và Chad cũng đang bị “quyến rũ” bởi nhiều quốc gia khác. Ý là một ví dụ khi nước này đang chủ động gia tăng hợp tác với Niger. Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Hungary cũng thúc đẩy các lợi ích tại Cộng hòa Chad.

ĐỖ DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.