Mỹ viện trợ "khủng" cho Ukraine, Israel

.

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua các dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD sau nhiều tháng trì hoãn, 2/3 trong số đó “chảy” đến Ukraine nhằm thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia và phát đi thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh dẫn dắt của Mỹ vào thời điểm then chốt.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trả lời phỏng vấn sau khi Hạ viện thông qua gói viện trợ vào ngày 19-4. Ảnh: EPA
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trả lời phỏng vấn sau khi Hạ viện thông qua gói viện trợ vào ngày 19-4. Ảnh: EPA

Sau khi vượt “ải” Hạ viện ngày 19-4, các dự luật phải được bỏ phiếu tại Thượng viện ngày 23-4 và sau đó Tổng thống Joe Biden sẽ ký phê chuẩn nhưng các bước quy trình này rõ ràng chỉ mang tính thủ tục khi đảng Dân chủ đang chiếm đa số tại Thượng viện ủng hộ mạnh mẽ còn ông Biden ngóng chờ ký thành luật sớm nhất có thể.

Có gì trong gói viện trợ?

Theo Guardian, khoảng 61 tỷ USD trong gói viện trợ “khủng” này được ưu ái dành cho Ukraine, trong đó có khoảng 23 tỷ USD để bổ sung kho dự trữ quân sự, mở đường cho Mỹ chuyển giao vũ khí cho Ukraine; 14 tỷ USD cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, trong đó Lầu Năm Góc mua các hệ thống vũ khí mới tiên tiến cho quân đội Ukraine trực tiếp từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ; hơn 11 tỷ USD để nâng cao năng lực quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo song phương, và khoảng 8 tỷ USD hỗ trợ phi quân sự.

Đối với Ukraine, khoản viện trợ đến đúng vào thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy liên tục cảnh báo nước này sẽ gặp thách thức lớn nếu không có sự trợ giúp của Mỹ do đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược. Đến nay, Mỹ đã “rót” khoảng 111 tỷ USD giá trị vũ khí, thiết bị, hỗ trợ nhân đạo và viện trợ khác cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.

Bên cạnh đó, Hạ viện Mỹ “gật đầu” khoản viện trợ 26 tỷ USD cho Israel nhằm hỗ trợ nỗ lực tự vệ, trong đó tăng cường hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Ngoài ra còn có các điều khoản tạo điều kiện cho cung cấp đạn dược của Mỹ vốn đang được cất giữ ở các quốc gia khác cho Israel.

Gói viện trợ cũng dành hơn 8 tỷ USD cho các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hơn 9 tỷ USD để giúp giải quyết nhu cầu cứu trợ nhân đạo cấp thiết ở Dải Gaza cũng như các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác trên thế giới. Ngoài ra, có các điều khoản như chuyển tài sản bị đóng băng của Nga sang cho Ukraine; các lệnh trừng phạt nhắm vào Hamas và Iran; buộc Công ty Bytedance (Trung Quốc) phải bán TikTok nếu không sẽ bị cấm ở Mỹ.

Những lời chỉ trích

Việc thông qua tại Hạ viện đã xóa bỏ rào cản lớn nhất đối với đề xuất tài trợ các đồng minh được ông Biden đưa ra từ tháng 10-2023. Trong khi đó, các quan chức Nga chỉ trích·động thái của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề “nóng” toàn cầu. RT dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận xét, các dự luật viện trợ quân sự của Mỹ sẽ chỉ khiến xung đột Nga-Ukraine kéo dài. Tương tự, TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, quyết định của Hạ viện Mỹ sẽ khiến nước Mỹ càng giàu hơn trong khi Ukraine lại gặp khó nhiều hơn. Ông Peskov cũng cho biết, việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga để tài trợ tái thiết Ukraine rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu nguồn tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và  kinh tế toàn cầu; đồng thời cảnh báo rằng Nga sẽ điều chỉnh phản ứng để phục vụ lợi ích quốc gia theo cách tốt nhất có thể.

Dĩ nhiên, việc thông qua các khoản viện trợ đón nhận lời cảm ơn từ Ukraine và Israel nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa đang đứng trước nguy cơ bị phế truất. Dù ông Johnson thể hiện uy tín chính trị hiếm thấy, cùng với kỹ năng lập pháp đáng chú ý khi thúc đẩy việc thông qua gói viện trợ ở Hạ viện vốn đang phân cực sâu sắc. Tuy nhiên, các thành viên cực hữu theo đường lối cứng rắn của đảng này ở Hạ viện tỏ ra tức giận vì gói viện trợ không kèm điều khoản về an ninh biên giới để ngăn dòng người di cư ở biên giới Mỹ - Mexico, vấn đề hàng đầu mà cử tri Mỹ quan tâm lúc này.

Một số người khác lại lo ngại rằng nếu cứ tiếp tục “rót” tiền cho Ukraine, Mỹ khó có thể giải quyết khoản nợ công trị giá 34.000 tỷ USD vốn đang tiếp tục “phình”. Đến nay, có 3 nghị sĩ kiến nghị loại ông Johnson khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện khi chỉ trích những gì ông đang làm rốt cuộc cũng phục vụ các mục tiêu của đảng Dân chủ. Nếu ông Johnson thực sự bị phế truất, điều đó có thể khiến Hạ viện lại rơi vào tình trạng hỗn loạn một lần nữa và không có luật nào được đưa ra cho đến khi một lãnh đạo mới được bầu.

Dự luật gây bất lợi cho TikTok
Ngày 20-4, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc Bytedance phải thoái vốn khỏi TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ. TikTok ngay lập tức phản đối mạnh mẽ việc này. The Hill dẫn lời người phát ngôn của TikTok cho rằng, động thái này sẽ ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, gây tổn hại 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho kinh tế Mỹ hằng năm. Chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ phải xóa TikTok khỏi thiết bị liên bang vì lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.