Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục

.

Chi tiêu quân sự toàn cầu chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong hơn một thập niên qua, đạt mức cao nhất mọi thời đại với 2.400 tỷ USD vào năm 2023 và nhiều khả năng lập kỷ lục mới trong thời gian tới, giữa lúc căng thẳng địa chính trị gia tăng. 

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris.  Ảnh: AFP
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris. Ảnh: AFP

Đây là số liệu trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 22-4. Đáng chú ý, chi tiêu quân sự tăng đồng loạt ở khắp nơi, đặc biệt ở châu Âu, Trung Đông và châu Á.

Đồng loạt tăng ở tất cả khu vực

Báo cáo của SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng năm thứ 9 liên tiếp lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.443 tỷ USD. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ năm 2009, sự gia tăng được ghi nhận cùng lúc ở châu Phi, châu Âu, Trung Đông, châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ. Guardian dẫn lời ông Nan Tian, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của tại SIPRI, cảnh báo: “Sự gia tăng chưa từng có này là phản ứng trực tiếp trước tình trạng suy giảm an ninh toàn cầu. Các quốc gia đang ưu tiên sức mạnh quân sự nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy đáp trả lẫn nhau trong môi trường an ninh và địa chính trị ngày càng biến động”.

Đáng chú ý, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia lần lượt là 5 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất. Cụ thể, Mỹ bỏ xa bất kỳ nước nào khác trên thế giới về ngân sách quốc phòng với 916 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022. Trong khi đó, mức chi tiêu này của Trung Quốc là khoảng 296 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022 và là năm thứ 29 liên tiếp tăng chi tiêu quân sự. Trung Quốc hiện chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự trên toàn khu vực châu Á và châu Đại Dương, điều này thúc đẩy Nhật Bản cùng với các nước khác tăng tốc “nối gót”. Nga chi tiêu cho quân sự ở mức 5,9% GDP, tương đương 16% tổng chi tiêu của chính phủ năm 2023, đánh dấu mức cao nhất trong nhiều thập niên qua.

Tây Âu và Trung Âu cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chi tiêu quốc phòng vượt mức của năm cuối cùng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tương tự, Trung Đông cũng chứng kiến sự tăng vọt, qua đó phản ánh những biến chuyển bất ngờ trong khu vực, từ sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao giữa Israel và một số nước Arab cho đến sự bùng nổ chiến sự ở Gaza và nguy cơ dần hiện hữu về cuộc xung đột ở phạm vi toàn khu vực. Trung Đông hiện là khu vực có tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất so với GDP trên thế giới ở mức 4,2%.

Trong khi đó, tình trạng bất ổn do các nhóm tội phạm có vũ trang đã khiến chính phủ các nước ở khu vực Trung Mỹ và Caribe chi mạnh cho quân sự để tăng cường ứng phó. Theo giới quan sát, việc sử dụng quân đội để trấn áp bạo lực băng đảng trở thành xu hướng trong khu vực này trong nhiều năm. Tương tự, căng thẳng, xung đột và bạo lực cũng khiến các nước tăng chi tiêu cho quốc phòng tại châu Phi.

Lo ngại về cuộc đua “quyền lực cứng”

Theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), 183 cuộc xung đột ở phạm vi khu vực và địa phương xảy ra trên toàn thế giới vào năm 2023, đạt mức đỉnh điểm trong gần 30 năm. AFP dẫn lời các chuyên gia của SIPRI nhận định, năm 2024 và vài năm tiếp theo có thể tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu “xuống thang”, cùng với sự bất ổn đang lan rộng khắp Trung Đông trong vòng xoáy chiến sự ở Dải Gaza và nguy cơ căng thẳng gia tăng ở châu Á.

Sẽ có thêm nhiều quốc gia tập trung bảo đảm an ninh bằng cách tăng cường “quyền lực cứng” như một phản ứng chủ động. IISS nhận định, bài học rút ra từ xung đột ở Ukraine đang bắt đầu tác động chiến lược quân sự ở các quốc gia khác, nhiều trong số đó nhận ra sự cấp thiết phải thúc đẩy sản xuất khí tài quân sự và xây dựng kho dự trữ lớn hơn sau thời gian dài không mấy chú trọng nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó với nguy cơ chiến sự.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất ngân sách “khủng” cho năm tài chính 2025, trong đó ngân sách quốc phòng một lần nữa phá kỷ lục, tăng gần 900 tỷ USD, bất chấp nợ công vượt ngưỡng 34.000 tỷ USD, tương đương khoản nợ 100.000 USD/người. Ngưỡng ngân sách quân sự được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập không dưới 2% GDP cũng đang gây ra hiệu ứng domino ở nhiều quốc gia ngoài liên minh này.

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hồi sức hoàn toàn hậu Covid-19, việc các nước gấp rút tăng chi tiêu quốc phòng để cạnh tranh sức mạnh quân sự không thể làm dịu nỗi lo về môi trường an ninh phức tạp hiện nay. Thay vào đó, thực tế này vô hình trung sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang, làm suy yếu sự phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, thậm chí làm giảm phân bổ nguồn lực cho các vấn đề toàn cầu cấp thiết khác như giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu, do đó có thể làm trầm trọng thêm các thách thức về an ninh và phát triển toàn cầu.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.