Mỹ - Triều mang "sứ mệnh hòa bình" đến Singapore

Ngày mai (12-6), Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sẽ gặp gỡ tại Singapore để giải quyết “di sản thời Chiến tranh Lạnh”. Theo đó, với “sứ mệnh hòa bình”, hai bên sẽ tìm cách xây dựng lòng tin lẫn nhau, hướng đến một thỏa thuận lịch sử.

Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp mặt trực tiếp. Ông Trump từng nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là dịp để hai nước “tìm hiểu nhau” nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi chuyến công du Singapore lần này là “sứ mệnh hòa bình” với nội dung được đề cập hàng đầu là kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, hướng đến một thỏa thuận để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.  

Theo báo Straits Times, máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Trung Quốc (Air China) chở ông Kim Jong-un đã đáp xuống sân bay Changi của Singapore. Đoàn đại biểu Triều Tiên đến Singapore trên 3 máy bay, bao gồm: một máy bay vận tải Ilyushin-76, một máy bay phản lực chở khách tầm xa Ilyushin-62 và một chiếc Boeing 747 của Air China. Ông Kim Jong-un có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long ngay trong ngày 10-6.

Trong khi đó, máy bay chở Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Canada hạ cánh tại sân bay không quân Paya Lebar của Singapore tối 10-6 (giờ địa phương). Ông Trump cũng sẽ có cuộc gặp gỡ Thủ tướng Lý Hiển Long vào sáng 11-6.

Hãng AFP dẫn lời GS. Park Hun-Joo, Trường Quản lý và Chính sách công (KDI) của Hàn Quốc cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là sự kiện lịch sử và được cộng đồng quốc tế mong đợi bởi sẽ giải quyết “di sản thời Chiến tranh Lạnh”. GS. Park Hun-Joo bày tỏ tin tưởng hai bên có thể ra tuyên bố chung về một hiệp ước hòa bình - điều từng được đề cập trong thỏa thuận hạt nhân năm 2005 nhưng sau đó đã đổ vỡ. Tuy nhiên, Chiến tranh Triều Tiên sẽ chỉ thật sự kết thúc khi Hàn Quốc và Trung Quốc cùng ngồi vào bàn ký thỏa thuận.

Hiện Mỹ yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải thực hiện “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng, không thể đảo ngược”. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đến nay chỉ công khai cam kết tiến hành phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên với điều kiện Washington phải bảo đảm an ninh cho quốc gia Đông Bắc Á này. Hơn nữa, CHDCND Triều Tiên còn muốn 28.500 binh sĩ Mỹ rời khỏi Hàn Quốc, mở đường cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất với quyền lực tập trung vào Bình Nhưỡng.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage không kỳ vọng nhiều về những tiến triển xung quanh việc xác định nội hàm của khái niệm “phi hạt nhân hóa”, bởi cả Washington lẫn Bình Nhưỡng sẽ không dễ dàng từ bỏ quan điểm của mình. Cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân hàng đầu của Mỹ với Triều Tiên Christopher Hill cũng nhận định, tiến trình đàm phán sẽ phức tạp và ông cũng không lạc quan về một hiệp ước hòa bình nhanh chóng đạt được ở Singapore.

Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào ngày 27-7-1953 nhưng tình trạng chiến tranh kỹ thuật vẫn tiếp diễn đến nay bởi các bên chỉ ký hiệp ước đình chiến, thay vì ký hiệp ước hòa bình. Tổng thống Trump từng hàm ý về việc kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 68 năm và cũng đã tính chuyện thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng, thậm chí mở Đại sứ quán Mỹ tại nước này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.