G7 thành "G6+1"

.

Chưa bao giờ Mỹ rơi vào tình huống bị cô lập trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) như lần nhóm họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tại Whistler, bang British Columbia, Canada.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) tham dự hội nghị tại Whistler, bang British Columbia, Canada. 	Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) tham dự hội nghị tại Whistler, bang British Columbia, Canada. Ảnh: Reuters

Ngày cuối cùng diễn ra hội nghị các bộ trưởng tài chính G7 (ngày 2-6, giờ Canada), các đồng minh chính của Mỹ trong khối G7 cùng đưa ra một thông điệp gây sốc: kiên quyết thúc giục Tổng thống Donald Trump hủy bỏ việc áp thuế mới đối với các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu. Với sự chia rẽ “G6+1” (gồm Đức, Ý, Anh, Pháp, Nhật Bản, Canada và Mỹ), tranh cãi sẽ tiếp tục được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh của câu lạc bộ giàu có ở Quebec (Canada) diễn ra trong tuần này. Theo AFP, Tổng thống Trump sẽ một mình đối mặt với các nhà lãnh đạo khác trong cuộc xung đột thương mại gây chia rẽ hai bờ đại dương.

Tháng 3 vừa qua, Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu thêm 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước sự lấn át của các nhà sản xuất nước ngoài ngay tại “sân nhà”. Trước sự phản đối gay gắt, Mỹ tạm miễn áp mức thuế mới này đối với một số đối tác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) để thương lượng thêm cho đến ngày 1-6. Và nay thời hạn 1-6 đã qua, EU đang nỗ lực thuyết phục Washington miễn vĩnh viễn mức thuế nhập khẩu mới đối với sản phẩm nhôm và thép. Song, Mỹ tuyên bố chấm dứt thời hạn miễn trừ.

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau cho rằng, việc áp thuế mới thực sự không giúp ích gì cho các nền kinh tế mà chỉ đang phá hoại. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi G7 là “G6+1” bởi một mình Mỹ chống lại tất cả và gây nguy cơ bất ổn kinh tế. 6 bộ trưởng tài chính còn yêu cầu người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin truyền đạt “sự lo ngại và thất vọng nhất quán” về thuế tới ông chủ Nhà Trắng. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng nhận định, thuế quan của Mỹ là “vấn đề rất nghiêm trọng” đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Có mặt tại Whistler, ông Mnuchin không hài lòng khi có ý kiến cho rằng G7 đang thành “G6+1”. “Đây là G7”, ông Mnuchin khẳng định, đồng thời cho biết Tổng thống Trump đang tập trung tái cân bằng các quan hệ thương mại của Mỹ. Là người chủ trương ôn hòa về thương mại trong nội các của Tổng thống Trump, ông Mnuchin chỉ chống đỡ và biện minh yếu ớt trước những người đồng cấp G7. Ông nói rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết tại Quebec.

Dĩ nhiên không có tuyên bố chung nào được đưa ra và đây là dấu hiệu cho thấy sự bất đồng sâu sắc giữa các nền kinh tế lớn của thế giới. Thậm chí, giới chức Canada đã chính thức đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan việc áp mức thuế mới đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Không những thế, từ ngày 1-7, Canada sẽ áp thuế lên hàng loạt mặt hàng của Mỹ (bao gồm thịt bò, cà-phê, bánh kẹo cũng như cả thép và nhôm) với tổng giá trị lên tới 16,6 tỷ USD.

Canada và EU là những nước có lượng hàng hóa nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất. Tổng thống Trump từng kêu gọi Canada và EU cần hành động hơn nữa để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ là 566 tỷ USD, tăng 12%, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2008. Các nhà kinh tế cho rằng, những biện pháp như tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép chỉ có tác động nhỏ đối với tình trạng thâm hụt thương mại.

Thương mại thế giới không nên là một cuộc “đọ súng” giữa các nước, như cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. Nhưng dù ông Trump chủ trương khơi lên cuộc chiến tranh thương mại thì cũng khó cải thiện cán cân thương mại của nền kinh tế hàng đầu này.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.