.

Châu Âu khép cửa dần với người tị nạn

.

Cùng với việc Áo đình chỉ Hiệp ước Schengen, cánh cửa châu Âu những ngày gần đây đang khép dần với dân tị nạn sau hàng loạt bất ổn.

Khu tị nạn Calais ở Pháp ngày 17-1. Sự nhếch nhác của các khu tập trung người tị nạn đã gây mất cảm tình với dân địa phương - Ảnh: Reuters
Khu tị nạn Calais ở Pháp ngày 17-1. Sự nhếch nhác của các khu tập trung người tị nạn đã gây mất cảm tình với dân địa phương - Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đang rẽ ngoặt với việc các nước áp dụng hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư.

Hôm 16-1, Áo tuyên bố “đình chỉ tạm thời” Hiệp ước tự do đi lại Schengen, Đan Mạch gia hạn kiểm soát biên giới với Đức đến ngày 3-2, Đức càn quét tội phạm người nhập cư, Pháp dọa san bằng trại người tị nạn lớn nhất ở Calais...

Kể từ sau sự kiện nhiều phụ nữ bị tấn công quấy rối ở Cologne (Đức) đêm giao thừa, chưa bao giờ các tờ báo châu Âu theo khuynh hướng bảo thủ lại “được mùa” như bây giờ, các câu chuyện cưỡng hiếp, cướp bóc có liên quan đến người di cư xuất hiện ngày càng dày đặc.

Các đảng phái chính trị cực hữu nhân dịp này lại được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự giận dữ, lo lắng của người dân trước những vị khách xa lạ từ Trung Đông, Bắc Phi...

Aylan và Cologne

Cách đây bốn tháng, hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh thi thể cậu bé 3 tuổi người Syria Aylan Kurdi trôi dạt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Aylan chết đuối khi cùng gia đình vượt biển đến Hi Lạp, người anh trai và mẹ cậu bé cũng mất trong chuyến đi ấy.

Tấm ảnh của Aylan nhanh chóng trở thành biểu tượng cho thân phận những người tị nạn chạy trốn cuộc chiến Syria.

Sự cảm thông lan đến châu Âu, bà Angela Merkel mở rộng tay tiếp nhận đơn xin tị nạn của người Syria, nhiều nước EU cũng sắp sửa nối gót bà Merkel nhưng rồi...

Tuần báo The Economist nhận định trọng trách thu nhận người tị nạn hầu hết đổ lên vai Đức, Thụy Điển. Sự hào hứng ban đầu của công chúng nguội dần theo thời gian, cuối cùng, sự kiện đêm giao thừa ở thành phố Cologne (Đức) chôn vùi lòng hiếu khách của nhiều người châu Âu.

Trong khi cái chết của cậu bé Aylan khơi gợi lên tình thương, “Cologne” lại trở thành nỗi ám ảnh và nhục nhã của những người tị nạn đích thực.

Thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer, một đồng minh chính trị của bà Merkel, mới đây còn lên tiếng dọa sẽ kiện chính phủ ra tòa nếu chính sách người tị nạn không thay đổi.

Tuần vừa rồi, ông này thậm chí còn gửi cả một chiếc xe buýt chở người tị nạn chạy gần 550km suốt bảy giờ đến tận văn phòng bà Merkel ở thủ đô Berlin để tỏ thái độ phản đối.

“Những vụ việc xảy ra đêm giao thừa một lần nữa làm lộ rõ những thách thức mà chúng ta đối mặt, đặt chúng ta ở một góc nhìn mới mà cho đến nay chưa được đánh giá đúng” - bà Merkel thừa nhận.

Tuy nhiên, bà Merkel khẳng định việc các nước châu Âu đơn phương đóng cửa biên giới không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay.

Schengen bị lung lay

Theo ý kiến của Thủ tướng Đức, châu Âu cần phải hợp tác cùng nhau và với các đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm an ninh biên giới chung cũng như chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn.

Tuy hứa sẽ giảm bớt dòng người tị nạn, bà Merkel cho đến nay vẫn từ chối những lời kêu gọi áp đặt một con số cắt giảm cụ thể.

Giữa lúc này, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo châu Âu chỉ còn lại một khoảng thời gian “nhất định” để kiểm soát biên giới chung của khối.

Ông Schaeuble không đưa ra cụ thể một thời hạn nhưng tờ nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung nhận định nếu tình hình không thay đổi cho đến giữa năm nay, bà Merkel sẽ phải tạm ngưng tiếp nhận người di cư.

Trong khi Đức còn đang loay hoay vây ráp tội phạm nhập cư với vụ bắt giữ 40 người hôm chủ nhật 17-1, nước láng giềng Áo trước đó một ngày đã thông báo ngưng thực thi Hiệp ước biên giới mở Schengen.

Tiếp nối dàn đồng ca “bất khả thi” của các lãnh đạo Đông Âu, Thủ tướng Áo Werner Faymann “tranh thủ” cảnh báo cuộc khủng hoảng tị nạn đang đe dọa xé nát châu Âu.

“Thất bại đạt một thỏa thuận về người tị nạn và kiểm soát biên giới chung không chỉ đe đọa khối Schengen mà còn cả Liên minh châu Âu” - ông Faymann phát biểu trên tờ Österreich của Áo.

Động thái của Áo diễn ra sau khi Đức bắt đầu trao trả hàng trăm người nhập cư xâm nhập qua biên giới mỗi ngày. Áo bên cạnh đó cũng siết chặt biên giới phía nam với Slovenia, tất cả những ai có ý định đến Bắc Âu, không có quyền xin tị nạn hoặc đã bị Đức từ chối đều không được đặt chân vào đất Áo.

Trước đó, các nước khác trong khối Schengen như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch cũng “tự giác” đình chỉ hiệp ước và thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới riêng.

Chính phủ Đức mất uy tín

Thăm dò dư luận của Hãng nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) cho thấy ngày càng có nhiều người dân Đức phản đối việc tiếp nhận người di cư nước ngoài, có 61% ý kiến phản đối so với chỉ 25% người ủng hộ.

Cũng theo thăm dò, có 63% ý kiến cho rằng số lượng người tị nạn như hiện nay quá nhiều, tăng mạnh từ mức 45% hồi tháng 9-2015.

Những bất ổn vừa qua cũng tác động tiêu cực tới uy tín của liên minh cầm quyền Đức. Tỉ lệ ủng hộ Đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Đảng Dân chủ xã hội (SPD) đều giảm trong khi tỉ lệ ủng hộ đảng cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) lại bất ngờ tăng mạnh, đạt 11%.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.