.

Thổ Nhĩ Kỳ hướng mục tiêu vào người Kurd

.

Không chỉ nhằm tiêu diệt các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ còn hướng mục tiêu vào người Kurd khi Ankara tiến hành các cuộc không kích chưa từng có đối với 6 căn cứ quân sự của người Kurd ở phía bắc Iraq.

Các chiến binh người Kurd tuần tra tại khu vực Makhmur, gần thành phố Mosul ở Iraq. Ảnh: AFP
Các chiến binh người Kurd tuần tra tại khu vực Makhmur, gần thành phố Mosul ở Iraq. Ảnh: AFP

 Kể từ khi cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd được bắt đầu từ tuần trước, đây là các cuộc không kích dữ dội nhất. Chiến dịch này được tiến hành từ đêm 28-7, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố không thể có tiến trình hòa bình giữa Ankara với người Kurd. Theo đó, các máy bay F-16 xuất phát từ căn cứ không quân ở tỉnh Diyarbakir, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhằm vào 6 mục tiêu ở phía bắc Iraq. Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận: “Các hoạt động không kích được thực hiện trong hai đêm 28 và 29-7 chống lại nhóm khủng bố PKK bên trong và bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ”.

Hãng Reuters cho biết, chiến dịch đánh bom của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Iraq được bắt đầu vào ngày 24-7 vừa qua. Các quan chức Ankara gọi đây là sự đáp trả đối với hàng loạt vụ tấn công, giết hại các nhân viên cảnh sát và binh sĩ của nước này, mà nhóm chiến binh người Kurd bị cho là thủ phạm. Căng thẳng càng gia tăng khi PKK mới đây đã bắn chết 2 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chiến dịch lần này, mục tiêu bên trong Thổ Nhĩ Kỳ là các căn cứ của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở tỉnh Sirnak, phía đông nam nước này, giáp biên giới với Iraq.

PKK cho rằng, các cuộc không kích, diễn ra đồng thời với chiến dịch chống IS ở Syria, khiến tiến trình hòa bình giữa lực lượng này với chính phủ Ankara trở nên vô nghĩa. PKK cũng chỉ trích việc ném bom vào các mục tiêu ở miền bắc Iraq là “sai lầm quân sự và chính trị nghiêm trọng nhất” mà Ankara phạm phải. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan khẳng định không thể có tiến trình hòa bình, đồng thời thúc giục Quốc hội ngăn chặn mối liên hệ chính trị với phe đối lập ủng hộ người Kurd.

Năm 2012, ông Erdogan bắt đầu tiến hành thỏa thuận hòa bình để kết thúc sự nổi dậy của PKK. Từ năm 2013, hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. Giờ đây, các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ công nhận quyền phòng vệ của Ankara nhưng kêu gọi quốc gia thành viên NATO này không để những nỗ lực hòa bình với PKK đổ vỡ.

Theo AFP, phe đối lập thân người Kurd hiện giận dữ, cáo buộc Tổng thống Erdogan ra lệnh tiến hành không kích nhằm trả đũa việc các đảng đối lập đã làm mất ưu thế của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 7-6 vừa qua. AKP tuy dẫn đầu với 41% số phiếu ủng hộ, nhưng mất thế đa số nên không thể một mình đứng ra thành lập chính phủ. Hơn nữa, ông Erdogan cũng không thể sửa đổi hiến pháp để chuyển từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd, Selahattin Demirtas, đảng đã giành được 13% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, nói rằng ông Erdogan chỉ đơn thuần muốn “ghi điểm” trong cuộc bầu cử sớm sắp tới và “gây tổn hại” đến HDP nếu diễn ra bầu cử sớm. HDP kêu gọi ngay lập tức kết thúc bạo lực và nối lại hòa bình. Các nhà quan sát cũng cho rằng, các cuộc tấn công IS và PKK nhằm mở đường để AKP trở lại nắm quyền một mình.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp trong ngày 29-7 để bàn thảo về các chiến dịch nói trên. Quốc gia này có cộng đồng người Kurd lớn nhất thế giới. Ngoài ra, còn có từ 25-35 triệu người Kurd sống rải rác khắp Iraq, Iran và Syria.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.