.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Cử tri Hy Lạp nói "có" hoặc "không"

.

Gần 10 triệu cử tri Hy Lạp ngày 5-7 đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử để quyết định số phận của Athens trong khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone). Cuộc bỏ phiếu được cho là canh bạc không những với Hy Lạp mà còn với cả chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trả lời phỏng vấn báo giới sau khi bỏ phiếu tại Athens. 									     Ảnh: AFP
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trả lời phỏng vấn báo giới sau khi bỏ phiếu tại Athens. Ảnh: AFP

Hãng Reuters nhận định: Thủ tướng Alexis Tsipras đang chơi một canh bạc với tương lai của chính phủ sau 5 tháng nắm quyền.

Cuộc trưng cầu dân ý, dù kết quả là cử tri nói “có” hay “không” trong việc ủng hộ hay bác bỏ đề xuất của các chủ nợ, cũng sẽ mở ra một giai đoạn mới cho đất nước. Nếu cử tri chọn “có”, nghĩa là sẽ có một chính phủ mới, hàng loạt cuộc đàm phán mới và Hy Lạp tiếp tục là thành viên của eurozone. Song, nếu cử tri chọn “không”, nghĩa là eurozone sẽ mất một thành viên và điều này có thể khuấy động sự bất ổn của đồng euro.

Hơn nữa, nếu cử tri chọn “không”, nghĩa là chính phủ Alexis Tsipras phải từ chức, kéo theo bất ổn mới khi các đảng chính trị tranh giành ảnh hưởng để tiếp tục đàm phán với các chủ nợ cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức.

Khắp nơi ở Hy Lạp, từ đảo Aegean xa xôi đến thủ đô Athens, nơi có ngôi đền Parthenon 2.400 năm tuổi nổi tiếng, người dân phải sống trong những năm tháng “thắt lưng buộc bụng”.

Trong tuần qua, họ đã bày tỏ sự tức giận vì chính phủ cạn ngân khố, phải thực hiện kiểm soát dòng vốn bằng việc đóng cửa các ngân hàng, chỉ cho rút tiền nhỏ giọt. Đất nước của 11 triệu người Hy Lạp bị chia rẽ sâu sắc trước việc nói “có” hoặc “không” với đề xuất cứu trợ của các chủ nợ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thủ tướng Tsipras muốn câu trả lời là “không” bởi ông cho rằng, việc “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của các chủ nợ là “sự sỉ nhục”. Nếu cử tri nói “không”, ông có thể trở lại bàn đàm phán với vị thế tốt hơn và kéo theo đó là một thỏa thuận tốt hơn cho vấn đề nợ công của Hy Lạp.

Tuy nhiên, các đối tác châu Âu của ông cảnh báo, việc nói “không” sẽ đẩy Hy Lạp thật sự ra khỏi eurozone mà không thể nào cứu vãn, đồng thời gây hệ lụy cho nền kinh tế châu Âu và toàn cầu. Giới phân tích gọi cuộc trưng cầu dân ý là sự kiện quan trọng quyết định tương lai của “mái nhà chung châu Âu”.

Áp lực cũng đặt nặng lên Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yianis Varoufakis. Ông lên án gay gắt nhóm bộ ba chủ nợ. “Những gì họ làm với Hy Lạp có tên gọi là khủng bố. Tại sao họ lại buộc chúng tôi phải đóng cửa các ngân hàng để gieo rắc sự hoảng loạn trong dân chúng?”, ông Varoufakis nói.

Trước thềm bỏ phiếu, thăm dò cho thấy số người nói “có” và “không” tương đương nhau. Theo nhiều người Hy Lạp, việc rời eurozone, đưa nước này trở lại với đồng drachma sẽ là điều tồi tệ và trong hai giải pháp xấu, họ muốn chọn giải pháp ít xấu hơn. Thậm chí, một thăm dò cho thấy cho đến khoảng 75% số cử tri muốn Hy Lạp ở lại eurozone. Kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý sẽ đượ c công bố vào sáng sớm nay (6-7, giờ Việt Nam).

Theo giới phân tích, đến nay, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Hy Lạp. Một số nguồn tin cho rằng, bà Merkel muốn Athens rời eurozone để làm bài học cho các nước tụt hậu khác trong khối. Song, điều này đang gây sự chia rẽ trong chính các nền kinh tế lớn của eurozone. Trái với quan điểm của bà Merkel, Thủ tướng Ý Matteo Renzi ngày 5-7 nói rằng, dù kết quả như thế nào chăng nữa, “chúng ta phải bắt đầu đàm phán trở lại”. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cũng ủng hộ việc nối lại đàm phán.

Theo giáo sư về khoa học chính trị Stathis Kalyvas tại Đại học Yale, nếu cử tri lựa chọn “có” cũng không đồng nghĩa với việc con đường đàm phán sẽ rải hoa hồng cho Hy Lạp. Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild ngày 5-7, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thừa nhận các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Athens với các chủ nợ sẽ “rất khó khăn”.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.