.

Những ngày u ám của Hy Lạp

.

Hy Lạp đang trải qua những ngày ảm đạm với tình trạng lộn xộn xảy ra trên đường phố, bên ngoài những ngân hàng đóng cửa. Trong khi đó, cuộc đàm phán mới giữa Athens với các chủ nợ trước khi nước này tiến hành trưng cầu dân ý là điều không thể.

Những người cao tuổi tập trung bên ngoài một chi nhánh ngân hàng quốc gia để chờ rút tiền. 						   Ảnh: AFP
Những người cao tuổi tập trung bên ngoài một chi nhánh ngân hàng quốc gia để chờ rút tiền. Ảnh: AFP

Hãng AP cho biết, các ngân hàng đóng cửa trong một tuần để ngăn chặn việc rút tiền mặt đồng loạt và các giao dịch thanh toán với nước ngoài. Ngày 2-7, gần 1.000 điểm giao dịch của các ngân hàng mở cửa theo yêu cầu của chính phủ để hỗ trợ những người già không rút được tiền từ các máy ATM.

Hàng ngàn người cao tuổi đã vây quanh các ngân hàng để có thể rút được tối đa 120 euro/tuần (134 USD). Nhiều người bày tỏ sự tức giận và nói rằng, họ cảm thấy “hổ thẹn cho đất nước này” khi người dân bị đẩy vào tình thế khốn khó.

Chính phủ sẽ từ chức nếu cử tri nói “có”

Trước thềm cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7, thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, 46% số cử tri sẽ nói “không” với đề xuất cứu trợ của các chủ nợ và 37% sẽ nói “có”, 17% chưa quyết định.

Hội đồng châu Âu chỉ trích việc bỏ phiếu và cho rằng, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã quyết định quá nhanh.

Vài giờ sau khi Hy Lạp chính thức vỡ nợ, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Tsipras tuyên bố chính phủ của ông sẽ từ chức nếu người dân bỏ phiếu ủng hộ việc thắt lưng buộc bụng để được nhận gói cứu trợ của châu Âu, đồng thời kêu gọi người dân chống lại đề xuất này.

Theo ông, việc bỏ phiếu nói “không” sẽ không làm đổ vỡ quan hệ với châu Âu”, trái lại điều này sẽ tốt hơn cho người dân Hy Lạp. Sau nhiều tháng đàm phán đổ vỡ, ông Tsipras vẫn tỏ ra cứng rắn trước yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu. Song, mỗi giờ phút trôi qua, áp lực đang dồn lên nhà lãnh đạo cánh tả này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis cũng khẳng định ông sẽ từ chức nếu cử tri nói “có”. Ông Varoufakis cho rằng, Hy Lạp bị đối xử như “thuộc địa nợ công” và không có quyền gì cả. “Đây là thời khắc đen tối với châu Âu. Họ đã đóng cửa các ngân hàng của chúng ta chỉ vì mục đích tống tiền nhằm nhận được lá phiếu “Có” cho một giải pháp không bền vững, không tốt với châu Âu”, ông Varoufakis nói.

Khủng hoảng chưa từng có

Các quan chức châu Âu vốn xem việc nói “không” tại trưng cầu dân ý là bước đi nguy hiểm, đẩy Hy Lạp thật sự ra khỏi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và làm dấy lên cuộc khủng hoảng chưa từng có trong khối này. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos khẳng định, cánh cửa đàm phán vẫn mở nhưng nếu người dân bỏ phiếu nói “có”, nghĩa là họ không tin tưởng vào chính phủ Hy Lạp. Còn nếu kết quả là “không” thì sẽ tiếp tục đàm phán.

Ông Luis de Guindos cho rằng, một tuần trước đó, Hy Lạp và các chủ nợ đã gần tiến đến thỏa thuận nhưng chính tuyên bố trưng cầu dân ý là một “tối hậu thư” ngăn cản mọi nỗ lực thương lượng. Vị quan chức này cảnh báo trưng cầu dân ý sẽ dẫn đến những hệ lụy, trong đó có việc Hy Lạp sẽ rời eurozone - một kịch bản mà không ai mong muốn.

Trả lời đài truyền hình iTele của Pháp ngày 2-7, Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Michel Sapin cho biết, châu Âu vẫn giữ cam kết tránh thảm họa cho Hy Lạp và giữ Athens ở lại eurozone. Ông Sapin muốn thúc đẩy một thỏa thuận với Hy Lạp trước giờ bỏ phiếu, nhưng sau cuộc họp không có kết quả của các bộ trưởng tài chính châu Âu vào ngày 1-7, ông kết luận rằng, sẽ không có đàm phán cho đến khi cuộc trưng cầu dân ý hoàn tất.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, Hy Lạp cần cải tổ trước khi muốn các chủ nợ cứu trợ. Bà Lagarde tỏ ra thất vọng về lập trường đàm phán của người đứng đầu chính phủ Hy Lạp. Athens đã đề nghị IMF cho thêm thời gian để thanh toán khoản vay 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) nhưng IMF lý giải, việc gia hạn thời gian chi trả không hiệu quả bằng việc hỗ trợ một đất nước vượt qua khủng hoảng.

Theo nhà phân tích thị trường Michael Hewson, chính phủ Hy Lạp dường như đang tiếp tục theo đuổi trò chơi “mèo vờn chuột” với các chủ nợ. Athens đang nợ 242,8 tỷ euro, trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất, tiếp theo lần lượt là Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hiện vẫn chưa lãnh đạo một nước nào trong EU tuyên bố muốn đẩy Hy Lạp ra khỏi eurozone. Đó chính là lý do mà chính phủ Athens vẫn kiên quyết theo đuổi quan điểm cứng rắn.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.