.

Saudi Arabia không kích phiến quân Houthi

.

Ngày 26-3, các máy bay chiến đấu của Saudi Arabia và các đồng minh Arab tiến hành không kích nhằm vào sào huyệt của phiến quân Houthi ở Yemen.

Lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi trên đường phố Aden. 		                                   Ảnh: Reuters
Lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi trên đường phố Aden. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết, các máy bay chiến đấu ném bom xuống sân bay chính và căn cứ không quân al Dulaimi ở thủ đô Sanaa vốn đang bị Houthi chiếm giữ. Cuộc không kích làm 4 hoặc 5 ngôi nhà ở gần sân bay Sanaa đã bị phá hủy và 13 người thiệt mạng. Đại diện phiến quân Houthi tuyên bố sẽ dùng vũ lực để đáp lại vũ lực.

Theo đài truyền hình al-Arabiya của Saudi Arabia, nước này điều động 100 máy bay chiến đấu cho chiến dịch. Ngoài ra còn có sự tham gia của hơn 85 máy bay đến từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait, Jordan, Maroc và Sudan.

Cuộc khủng hoảng ở Yemen đang leo thang, với việc Iran ủng hộ Houthi. Lực lượng phiến quân Houthi hiện nắm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và nhiều khu vực khác. Đây là lực lượng chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite. Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi phải rời bỏ thủ đô để chạy đến thành phố Aden. Sự hỗn loạn tại Yemen được cho là nguy cơ lớn đối với Saudi Arabia bởi hai nước có đường biên giới chung rất dài.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, Adel al-Jubeir, nói rằng quốc gia này sẽ làm mọi việc để bảo vệ chính phủ hợp pháp Yemen không bị sụp đổ.

Trong khi đó, một quan chức UAE bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của Iran ở Yemen. Về phía Iran, Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu ngừng ngay lập tức “hành động gây hấn và các cuộc không kích” ở Yemen. “Hành động quân sự tại Yemen sẽ làm tình hình phức tạp hơn”, hãng Fars dẫn lời nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham nói. Song, Iran bác bỏ việc can thiệp quân sự vào Yemen. “Iran sẽ sử dụng tất cả giải pháp chính trị có thể để xoa dịu căng thẳng ở Yemen. Can thiệp quân sự không phải là sự chọn lựa của Tehran”, một quan chức cấp cao của nước Cộng hòa Hồi giáo này khẳng định.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cũng cho rằng, hành động quân sự không phải là một giải pháp đối với khủng hoảng ở Yemen; đồng thời thúc giục các cường quốc trong khu vực phải hành động trách nhiệm.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.