Giá nhiên liệu tăng, giá hàng hóa nhấp nhổm

.

Sau dịp lễ 2-9, thời điểm năm học mới bắt đầu, hàng loạt mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, gas đồng loạt tăng giá. Ngoài ra, giá điện, giá tân dược cũng đang được điều chỉnh sẽ tạo thêm nhiều sức ép lên giá cả hàng hóa tiêu dùng trong thời gian tới.

Đại diện một số nhà bán lẻ cho biết chưa có đợt tăng giá mới vì vẫn còn chạy chương trình khuyến mãi lớn trong năm.
Đại diện một số nhà bán lẻ cho biết chưa có đợt tăng giá mới vì vẫn còn chạy chương trình khuyến mãi lớn trong năm.

Hơn 2 tháng qua, giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp 4 lần với tổng mức tăng 1.723 đồng/lít xăng, tương đương hơn 10%. Giá dầu diesel cũng tăng thêm 1.115 đồng/lít, tương đương tăng 8,6%. Giá gas tại Đà Nẵng đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 16.000 đồng/bình. Điều này dấy lên lo ngại về một đợt tăng giá mới để bù đắp chi phí đầu vào do ảnh hưởng gián tiếp từ khâu vận chuyển.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đang nhấp nhổm kiến nghị tăng giá cước, nhưng chưa được Hiệp hội Vận tải thành phố chấp thuận. Anh Nguyễn Văn Cường, tài xế của Công ty Kinh doanh vật tư hóa chất tại Đà Nẵng phân tích: “Mỗi đợt điều chỉnh giá xăng, dầu chỉ nhích 500-700 đồng/lít (tương đương mức tăng từ 2,8 - 4%), trông có vẻ không nhiều, nhưng nếu cứ cộng dồn mỗi thứ một ít, từ nhiên liệu đến phí cầu, đường bộ thì ắt hẳn sẽ phải tính toán đến lời lãi một chặng đường chở thuê”.

Những người chuyên chở hàng hóa nhận định, nếu cứ đà tăng giá xăng, dầu vào những tháng cuối năm, khi các doanh nghiệp sản xuất tập trung thu mua nguyên liệu chế biến hàng hóa cho dịp Tết, chắc chắn giá cước vận tải sẽ phải tăng và yếu tố tăng giá đầu ra để bù đắp cho chi phí là khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, theo thông tin mới đây, nếu Bộ Tài chính vẫn quyết định nâng mức thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-7-2018 đối với mặt hàng xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít, cộng với thuế giá trị gia tăng ở mức 12% (hiện mỗi lít xăng đang gánh 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường) thì giá xăng bán lẻ sẽ có thể tăng trên 25.000 đồng/lít.

Mức giá trên sẽ tác động mạnh đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, bởi theo tính toán của doanh nghiệp, chi phí vận tải này chiếm từ 15-20% chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Thạch Bàn miền Trung nhìn nhận:

“Giá nhiên liệu thay đổi thì mọi đối tượng cũng bị tác động theo. Một khi giá cước tăng sẽ kéo theo giá thành sản phẩm tăng; khi đó, nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng hóa để bù đắp chi phí. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng như đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, người lao động cũng lao đao vì giảm thu nhập. Tất cả gánh nặng sẽ đè lên vai người tiêu dùng. Do đó, Nhà nước cần xem xét kỹ trước khi ban hành quyết định, nhất là trong những thời điểm chưa hợp lý”.

Tại Đà Nẵng, việc tăng giá xăng dầu, dịch vụ y tế tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,74% so với tháng trước. Đây được xem là mức tăng khá cao so với các tháng như: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 3,3% (riêng dịch vụ y tế tăng 5,2%) do thành phố áp dụng khung giá dịch vụ y tế mới từ ngày 1-8.

Nhóm giao thông tăng hơn 2% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 4 và 19-8 (tác động làm CPI tăng khoảng 0,2%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng thêm 0,8%, trong đó giá thực phẩm tăng 1,5% do giá thịt heo và rau xanh tăng mạnh. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63% do giá vật liệu xây dựng, gas, dầu hỏa đều tăng...

Mặc dù vậy, sức mua trên địa bàn thành phố được đánh giá khá tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn tăng cao. Đại diện một số siêu thị như Co.opmart, Intimex, BigC cho hay, đợt mua sắm dịp lễ 2-9 vừa qua đã giúp doanh thu của nhà bán lẻ này đạt mức tăng trưởng đề ra. Đáng chú ý, các kênh mua sắm hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị tiếp tục duy trì giá bán hàng hóa bình ổn.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng nhận xét: “Đến thời điểm này, hầu hết các nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng khác vẫn ổn định về giá. Nguyên nhân không tăng giá các mặt hàng là do có sự thỏa thuận giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ ngay từ đầu năm. Về nguyên tắc, nếu nhà cung cấp đề nghị tăng giá thì phải có điểm giãn về thời gian, ít nhất là trước một tháng để nhà bán lẻ xem xét thị trường, các yếu tố có hợp lý để tăng hay không…”.

Tuy nhiên, đại diện siêu thị cũng cho biết, cuối năm các mặt hàng thời vụ thường hay tăng giá, nhất là ảnh hưởng của cung - cầu hay yếu tố thiên tai, giá xăng, dầu, tỷ giá đô la Mỹ biến động…

Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8-2017 ước đạt 7.150 tỷ đồng, tính tổng 8 tháng ước đạt 59.565 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động thương mại nhìn chung khá sôi động thông qua việc kích cầu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh với số đợt khuyến mại trung bình trên 1.000 đợt/tháng.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở một số ngành sản xuất sụt giảm từ đầu năm do thị trường tiêu thụ không thuận lợi, đến nay vẫn chưa hồi phục như: ngành giấy giảm 24,6%, sản xuất dây bện và lưới giảm 23,3%, sản xuất giày dép giảm 11,6%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,9%...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.