.

Nhiều "điểm nóng" ô nhiễm được kiểm soát

.

Đánh giá tại hội nghị sơ kết tình hình triển khai “Đề án Xây dựng Đà Nẵng- thành phố môi trường giai đoạn 2008-2014” do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì chiều 7-1 cho thấy, sau 6 năm triển khai, vấn đề ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát tốt, liên tục 4 năm liền đạt được các tiêu chí, nhận được các giải thưởng quốc tế.

Tình hình ô nhiễm tại sông Phú Lộc sẽ được khắc phục trong năm 2015.
Tình hình ô nhiễm tại sông Phú Lộc sẽ được khắc phục trong năm 2015.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Nguyễn Điểu cho biết, giai đoạn 2008-2014, thành phố đã tập trung giải quyết triệt để 12/13 “điểm nóng” môi trường cấp bách như: khu vực hồ Đảo Xanh, hồ Đầm Rong, kênh Thuận Phước, hệ thống thu gom nước thải khu vực các nhà hàng cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng, khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm, Trạm xử lý nước thải Hòa Cường, ô nhiễm khí thải do hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất sắt thép tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, bãi rác Khánh Sơn, khu vực cửa sông Phú Lộc, các cửa xả ven biển đường Sơn Trà - Điện Ngọc…

Bên cạnh đó, tình trạng nước thải tại 6 khu công nghiệp và một cụm công nghiệp đã được thu gom và xử lý tập trung tại 5 trạm xử lý tập trung. Chất lượng nước thải tại 4/5 trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải. Việc ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động công nghiệp tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh đã được giải quyết.

Ngoài ra, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn thành phố đạt 93%, 100% chất thải nguy hại y tế được thu gom và xử lý đạt yêu cầu. Tỷ lệ thu gom phân loại, tái sử dụng, tái chế ước đạt 10%, đã đầu tư 1 nhà máy xử lý rác thải ni-lông và cao su thành nhiên liệu đốt công nghiệp tại bãi rác Khánh Sơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Điểu nhìn nhận còn một số tồn tại chưa thực hiện được. Trước hết, về môi trường nguồn nước, chất lượng nước thải sau xử lý tập trung chưa ổn định và thiếu tính bền vững về lâu dài. Trong quá trình vận hành hai trạm xử lý nước thải Hòa Cường và Phú Lộc đã bộc lộ những hạn chế, như phát sinh mùi hôi, bọt trắng gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Nguyên nhân, theo ông Điểu, trạm đưa vào hoạt động từ năm 2007 nên hiện nay đã quá tải dẫn đến một số chỉ tiêu môi trường không đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định (coliform, BOD5), mặt khác công nghệ xử lý chỉ xử lý bậc 1 bằng phương pháp kỵ khí, dẫn đến phát sinh ô nhiễm về mùi hôi.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đấu nối nước thải sinh hoạt của hộ gia đình vào hệ thống thoát nước còn thấp (<50%). Đặc biệt, ô nhiễm môi trường Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Âu thuyền Thọ Quang chưa được xử lý triệt để. “Nguyên nhân do hoạt động chế biến thủy sản có đặc thù chất thải phức tạp, khoảng cách của khu công nghiệp sát với khu dân cư, không đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung đã quá tải, xuống cấp, chỉ hoạt động cầm chừng trong thời gian dài để chờ xây dựng trạm xử lý mới có công suất 25.500m3/ngày đêm dự kiến hoàn thành năm 2017. Hơn nữa, nguồn tiếp nhận nước thải là Âu thuyền Thọ Quang - khu vực nhạy cảm, có mức độ làm sạch không đáng kể. Tại đây lại tiếp nhận thêm các nguồn thải khác từ khu dân cư, chợ đầu mối, chất thải từ tàu thuyền...”, ông Điểu giải thích.

Tại hội nghị, một số ngành, địa phương đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện đề án “Thành phố môi trường” trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các đại biểu chú trọng việc xử lý nguồn nước thải đô thị và khu dân cư.

Theo ông Nguyễn Điểu, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (công suất 25.500m3/ngày đêm ) trong năm 2015; tiếp tục giai đoạn 2 vào năm 2018 để nâng công suất lên 51.000m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, phải đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Phú Lộc vào quý 1-2015. Ngoài ra, cần bố trí vốn xây dựng cơ bản để đầu tư thêm một trạm quan trắc tự động môi trường nước sông Cu Đê vào năm 2015 và đầu tư 1 trạm quan trắc nước biển ven bờ tại các bãi tắm du lịch phía đông vào năm 2016.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, đề xuất 5 giải pháp, trong đó cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ ít phát thải hoặc bổ sung thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gây tác động đến môi trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo, đối với các “điểm nóng” môi trường đã xử lý cơ bản trong giai đoạn 1 và 2, đề nghị Sở TN&MT thành phố cùng các cơ quan liên quan theo dõi thường xuyên và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tái ô nhiễm.

Đối với hệ thống nước thải khu công nghiệp, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất chỉ đạo các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phối hợp các đơn vị vận hành đạt yêu cầu, đảm bảo đấu nối toàn bộ, hoàn thiện hạ tầng, không để xả thải sai quy định, vượt tiêu chuẩn, liên tục giám sát chất lượng.

Đặc biệt, phải kiểm soát tuyệt đối các nguồn thải vào hồ đầm, đặc biệt là khu vực đô thị. Để làm được điều này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý cần phải nâng cao nhận thức cho các đối tượng về xả thải và huy động tư nhân tham gia bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.