.

Giảm phát thải khí nhà kính cho khu công nghiệp

.

Sáng 6-1, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Quỹ Châu Á giới thiệu dự án “Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho các khu công nghiệp (KCN) và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”.

Giảm phát thải khí nhà kính tại các khu công nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.
Giảm phát thải khí nhà kính tại các khu công nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), qua phân tích kết quả kiểm kê khí nhà kính (KNK) tại KCN Liên Chiểu cho thấy, lĩnh vực năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất, dao động từ 77,33% - 78,91%.

Trong lĩnh vực năng lượng, hoạt động sử dụng điện chiếm tỷ trọng cao nhất, dao động từ 76,97%- 69,44%; phát thải lĩnh vực các quá trình công nghiệp dao động từ 17,72% - 19,13%; lĩnh vực chất thải rắn từ 2,98% - 3,39% và lĩnh vực nước thải chiếm từ 0,22% - 0,46%. Điều này đang đặt ra nhu cầu cấp thiết trong trong quản lý và xử lý môi trường phù hợp đối với địa phương.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có các giải pháp trước mắt như ưu tiên tập trung về hỗ trợ tài chính - kỹ thuật, thông tin kiến thức về kiểm toán năng lượng đối với các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều năng lượng. Ngoài ra, cần hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tài chính quốc tế và nguồn vay trong nước với lãi suất ưu đãi; chủ động nghiên cứu và đề xuất cơ chế cho vay ưu đãi đặc biệt đối với các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu tại các DN KCN Liên Chiểu.

TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn các KCN tại Đà Nẵng bởi thành phố đang trong quá trình xây dựng và phấn đấu trở thành “Thành phố xanh” vào năm 2020”.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang xây dựng và thí điểm hệ thống quản lý phát thải KNK trực tuyến cho KCN nói trên và tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát khí thải KNK đối với các DN và hàng trăm cán bộ, công nhân viên làm việc trong KCN.

Mặc dù nhận thấy việc giảm thải KNK tại các KCN là hết sức cần thiết, nhưng các DN lại lấn cấn khi đặt vấn đề phải bắt đầu như thế nào, đầu tư vốn bao nhiêu…

Ông Trần Nguyễn Phúc Sinh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sứ Cosani, nói rằng DN nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề phát thải KNK nên đã tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Thế nhưng, dù chi phí không nhiều nhưng công ty vẫn chưa sắp xếp được nguồn vốn vay đầu tư.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thép Đà Nẵng Phạm Quý Giáp thừa nhận: “Quá trình triển khai các giải pháp đầu tư công nghệ mới, chúng tôi thường gặp một số khó khăn do đặc thù dây chuyền thiết bị đầu tư từ trước đã lạc hậu. Muốn có công nghệ tiên tiến hơn phải thay đổi cả dây chuyền dẫn đến việc đầu tư vốn lớn, trong khi chi phí lớn thường gặp nhiều rủi ro do thời gian thu hồi vốn kéo dài”.

Theo ông Nguyễn Trí Thanh, cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á: “Khó khăn lớn nhất để DN và các KCN thực hiện các giải pháp nêu ra trong kế hoạch hành động là thiếu vốn và năng lực kỹ thuật hạn chế. Dự án đang phối hợp với tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để kết nối hiệu quả hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho những DN quan tâm”.

Kế hoạch hành động giảm phát thải KNK của KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng được xây dựng trong giai đoạn 2013-2014 đã được UBND thành phố Đà Nẵng thông qua vào tháng 8-2014. Dự án này hỗ trợ tổng cộng 6 doanh nghiệp trong KCN và dự kiến tiếp tục hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong KCN Liên Chiểu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhằm góp phần giảm phát thải KNK.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.