.

Đưa hình ảnh voọc chà vá vào trường học

.

ĐNĐT - Suốt một năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với hình ảnh đặc trưng là loài voọc chà vá chân nâu đã được lồng ghép giảng dạy và triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn quận Sơn Trà, giúp các em học sinh nhận thức đúng về loài thú linh trưởng đang được cả thế giới chung tay bảo vệ.

Những ngày cuối năm 2014, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã tổ chức chương trình Đón Giáng sinh cùng voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà cho hơn 100 học sinh và 60 phụ huynh, giáo viên của các trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trần Quốc Toản và các trường THCS Lý Tự Trọng, Nguyễn Chí Thanh (quận Sơn Trà). Đây là hoạt động tổng kết của chương trình Nâng cao nhận thức về Đa dạng sinh học khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà dành cho học sinh được triển khai suốt 1 năm qua.

Giáo viên, phụ huynh, học sinh đều thích thú, thỏa mãn khi tận mắt nhìn thấy loài Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.
Giáo viên, phụ huynh, học sinh đều thích thú, thỏa mãn khi tận mắt nhìn thấy loài Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.

Thích thú, lạ lẫm

Nằm ở độ cao hơn 600 mét so với mực nước biển, thời tiết ở bán đảo Sơn Trà những ngày qua trở nên giá rét. Những con đường vòng quanh bán đảo sương mù bao phủ, che khuất tầm nhìn. Trái ngược với sự khắc nghiệt của thời tiết là tâm trạng háo hức, tò mò của các em học sinh.

Cầm trên tay cuốn sổ phác họa hình ảnh chú voọc chà vá đang vắt vẻo trên cành cây, em Nguyễn Thị Mỹ Dung, học sinh trường THCS Nguyễn Chí Thanh, khoe: “Đây là hình em vẽ từ khi tìm hiểu về loài voọc này. Nhưng vì chưa một lần được nhìn thấy nên không biết bên ngoài nó có đẹp, dễ thương như trong sách hay không?”.

Theo anh Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet, ban đầu trung tâm chỉ dẫn khoảng 30 học sinh lên ngắm voọc chà vá, nhưng chỉ sau một tuần đăng ký đã có hơn 100 học sinh của các trường cùng 61 phụ huynh háo hức tham gia. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên của các em cũng tình nguyện đồng hành cùng chương trình, vừa đảm bảo an toàn cho các em vừa thỏa mãn sự tò mò được một lần nhìn thấy voọc chà vá.

“Sinh sống, giảng dạy tại Sơn Trà đã mấy chục năm nay nhưng chưa một lần tôi được thấy tận mắt loài voọc này nên cũng muốn tìm hiểu đặc điểm, tập tính của nó thế nào. Vừa thỏa mãn sự tò mò của bản thân, vừa có thêm kiến thức, kinh nghiệm để giảng dạy, giáo dục cho các em học sinh khi cần thiết”, cô Đinh Thị Thùy Linh, giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng cho biết.

Dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên cùng sự hỗ trợ của ống nhòm chuyên dụng, hình ảnh đàn voọc hiếu động chuyền cành, âu yếm đàn con lần đầu tiên lọt vào những đôi mắt ngơ ngác khiến các em đều hét lên thích thú.

“Những chương trình này rất bổ ích, nó kích thích sự tò mò, khám phá của các em, đồng thời giảm tải được những căng thẳng, áp lực của những chương trình học chính khóa”, phụ huynh Lê Văn Cường cho biết.

Duy trì, nhân rộng

Từ đầu năm 2014, dưới sự đồng ý, hỗ trợ của Phòng Giáo dục quận Sơn Trà, GreenViet đã tổ chức chương trình Nâng cao nhận thức về Đa dạng sinh học khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

voọc chà vá
Voọc chà vá chân nâu đang rất cần sự bảo vệ của cộng đồng

Mục đích của chương trình nhằm tạo cơ hội gắn kết các em học sinh trên địa bàn quận Sơn Trà với việc tìm hiểu và bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương, đặc biệt là chung tay bảo tồn quần thể loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm tại đây.

“Tất nhiên việc bảo vệ loài voọc chà vá là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhưng chúng tôi muốn thực hiện chiến dịch truyền thông ngay tại địa phương mà loài voọc đang sinh sống, bởi muốn cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thì trước hết địa phương đó phải tiên phong và gương mẫu đã”, anh Nguyễn Hữu Vỹ, giám đốc Trung tâm GreenViet, nói.

Theo đó, chương trình này được triển khai trong thời gian 8 năm (giai đoạn 2012 – 2020). Đối với các trường học, chiến dịch truyền thông sẽ được thực hiện thông qua các chương trình ngoại khóa và một số hoạt động như: triển lãm hình ảnh các loài động vật ở khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; tìm hiểu về đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà; đi thực tế tìm hiểu tập tính của loài voọc chà vá chân nâu.

“Sau mỗi chương trình, các em sẽ viết bài thu hoạch, đó là kiến thức vừa được học và những cảm nhận rất riêng, thể hiện quan điểm, trách nhiệm của bản thân. Chúng tôi tìm thấy ở những bài thu hoạch là tình yêu thiên nhiên và những ước mơ trong sáng, hồn nhiên về một thế giới tươi đẹp”, anh Vỹ cho biết thêm.

Được biết, trong những năm tới, GreenViet sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hơn với mục đích để bán đảo Sơn Trà luôn hoang sơ như nó vốn có và loài voọc chà vá chân nâu sẽ được nâng niu, bảo vệ bằng mọi cách.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.