.

Đà Nẵng chủ động đối phó với bão số 2

.

* Còn 318 phương tiện, 2.278 lao động hoạt động trên biển

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 04 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Ảnh mây vệ tinh về cơn bão
Ảnh mây vệ tinh về cơn bão

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 04 giờ ngày 18-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 04 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ chiều ngày 18/7, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5 - 6 mét.

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Rammasun (bão số 2), ngày 16-7, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) thành phố Đà Nẵng có Công điện số 21 gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các quận, huyện, yêu cầu: Thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, nhanh chóng vào bờ, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (Khu vực  nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 13 và có điều chỉnh);  Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho PCLB & TKCN thành phố; Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các ngành và địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và duy trì liên lạc với Ban Chỉ huy PCLB & TKCN  thành phố Đà Nẵng...

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến chiều 16-7, Đà Nẵng còn 318 phương tiện với 2.278 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể, tại ngư trường Trường Sa có 4 phương tiện, 39 lao động; tại khu vực vịnh Bắc Bộ có 30 phương tiện, 156 lao động; tại vùng biển từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có 8 phương tiện, 75 lao động; tại vùng biển Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế có 18 phương tiện, 228 lao động; tại vùng biển Đà Nẵng đến Quảng Nam có 257 phương tiện, 1.796 lao động đang hoạt động. Các phương tiện đã được Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng liên lạc, thông báo hướng đi của bão và hướng dẫn nơi trú tránh bão...

B.TNGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.