Chung sức, đồng lòng ứng phó thiên tai

.

Liên tục những ngày qua, thành phố Đà Nẵng phải hứng chịu những trận mưa lớn trên diện rộng, từ đó diễn ra tình trạng sạt lở đất ở vùng đèo, núi và nhất là ngập úng tại nhiều khu vực trũng thấp thuộc nội thành. Tại một số tuyến phố đông dân cư, người dân vật lộn với nước tràn vào nhà, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn. Trước mắt cũng như lâu dài, tình trạng sạt lở đất đá và tình trạng ngập úng đô thị thật sự là mối quan tâm lớn của lãnh đạo thành phố và của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước đây, nhất là trận ngập úng lịch sử diễn ra cũng vào những ngày này năm ngoái (14-10-2022), thành phố đã sớm chủ động trong công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão, ngập lụt, vì vậy, hiệu quả bước đầu khá tích cực. Ngay sau những cơn mưa đầu mùa, trong tháng 9 đầu tháng 10-2023, lãnh đạo thành phố có văn bản chỉ đạo, lẫn trực tiếp kiểm tra thực tế để đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục tăng cường triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống ngập úng đô thị trong mùa mưa năm 2023.

Một điểm nhấn, đồng thời cũng là một kinh nghiệm cần tiếp tục duy trì lâu dài, quyết liệt trong những năm tới, đó là việc tập trung tiến hành việc khơi thông, nạo vét cửa thu, cống thoát nước trên toàn địa bàn thành phố. Trong khi các chuyên gia đang bàn bạc, nghiên cứu ở góc độ khoa học để giảm bớt những vùng trũng, hoặc kiểm tra đánh giá lại cao trình của địa hình thành phố, nghiên cứu vấn đề phân lũ, tìm giải pháp nâng cao năng lực thoát lũ…, thì một nhiệm vụ rất cụ thể nhưng rất cần thiết trước mắt, đó là các cơ quan chuyên môn kỹ thuật thành phố cùng người dân các khu dân cư tập trung dồn sức khơi thông cống rãnh nội đô, điều mà lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo rốt ráo và xem đây là nhiệm vụ chính trị phải được quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục. Vì đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên cả hệ thống chính trị, các cấp bộ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đều vào cuộc.

Tuần qua, lãnh đạo chủ chốt của thành phố lần lượt đến tận các khu vực trọng điểm, các tuyến phố, các khu dân cư; cùng với các lãnh đạo chỉ huy các đơn vị công an, quân đội, biên phòng… để kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ ngập úng; đồng thời, chỉ đạo, nhắc nhở việc thường xuyên kiểm tra, bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của hệ thống thoát nước, chú ý từng hố ga đến hệ thống cống thoát nước, không để tái diễn tình trạng trám lấp cửa thu sau khi được khơi thông, nạo vét.

Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến hiệu quả thực tế của công tác này. Bởi vì, qua thực tế, vẫn còn có những địa bàn chưa hoàn thành triệt để công tác khơi thông, nạo vét cửa thu, cống thoát nước theo phạm vi phân cấp quản lý; còn nhiều cửa thu, mương thu đầy bùn đất, hoặc bị xây bít, che đậy, trám lấp; công tác nạo vét, khơi thông chưa đồng bộ, toàn diện, mới chỉ tập trung  những khu vực ngập úng nặng. Những chuyến thị sát của lãnh đạo thành phố nhằm thể hiện quyết tâm triển khai quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác khơi thông cửa thu, mương thu nước và nạo vét cống rãnh trong thời gian đến, tránh xử lý vội vàng, chiếu lệ, không tạo kết quả thực chất.

Qua thực tế ứng phó tình trạng mưa lớn gây ngập úng thời gian qua, đã cho thấy một điểm mới rất đáng phát huy trong công tác thông tin cập nhật qua nhiều kênh thông tin để thông báo tình hình ngập úng, mưa lũ đến tận người dân của các cơ quan chức năng. Thực tế thời gian qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong việc triển khai thực hiện chính quyền số và các dịch vụ đô thị thông minh.

Chính nhờ việc vận hành hệ  thống chính quyền số nên chỉ trong thời gian rất ngắn, có thể tính bằng phút, người dân ở mọi địa bàn, từ xã phường, thôn xóm, cụm dân cư, khu chung cư, thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh của từng cá nhân đã có thể cập nhật hết sức mau chóng những thông tin về tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ, ngập úng trên địa bàn thành phố đến từng chi tiết. Những báo cáo cập nhật của Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh của thành phố đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân thành phố có thể thuận lợi hơn trong giải quyết công việc, tránh những rủi ro bất lợi do thời tiết gây ra.

Đối với chính quyền địa phương, cơ sở, cũng qua những thông tin được cập nhật để có điều kiện rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai thì chủ động có giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn...

Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, trong những ngày tới, thành phố tiếp tục có những đợt mưa lớn; lũ trên thượng nguồn sông Vu Gia tiếp tục dâng cao. Ở tầm xa hơn, cũng theo dự báo của cơ quan khí tượng, từ tháng 10 đến 12- 2023 có khả năng xuất hiện khoảng 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Do vậy, thành phố Đà Nẵng, một địa phương nằm trong khu vực có nguy cơ, sẽ còn phải tiếp tục chủ động, sẵn sàng ứng phó trong công công tác phòng, chống thiên tai.

Nhưng với những kết quả đã đạt được qua những đợt chống chọi thiên tai từ đầu mùa mưa đến nay, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với những nhận thức mới của người dân về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, với tinh thần chủ động, tự lực theo phương châm “4 tại chỗ”, thành phố sẽ vượt qua mọi thách thức do thiên tai, mưa lũ gây ra, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2023, tạo tiền đề cho các bước phát triển trong những năm tiếp theo.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.