Cần triển khai các giải pháp thoát nước đô thị

.

Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh, vấn đề thoát nước là một trong những thách thức lớn đối với các đô thị, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Xử lý thoát nước đô thị bắt đầu từ quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành. Tuy nhiên, ở mỗi khâu đều bộc lộ những bất cập do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Hệ thống thoát nước của Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố... trong đó có vấn đề về lỗi thiết kế không khớp nối. Ngoài ra, không gian mặt nước của đô thị đang bị thu hẹp, làm giảm khả năng điều hòa nước mưa. Riêng ví dụ ở khu vực sân bay Đà Nẵng được thiết kế với 14 hồ điều hòa nhưng thời gian qua các hồ đã bị bồi lấp.

Ghi nhận ý kiến từ chuyên gia về quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật, vấn đề cần quan tâm giải quyết là bài toán tiêu thoát nước mặt (nước mưa) trực tiếp cho đô thị. Qua các thời kỳ phát triển đô thị đã áp dụng nhiều quy chuẩn kỹ thuật hạ tầng thoát nước.

Trong đó có cả việc vận dụng quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài. Các nhược điểm có thể nhận thấy khi thiết kế và thi công cửa thu nước hiện ở thành phố bộc lộ các nhược điểm: diện tích thu nước hữu hiệu rất nhỏ; cấu tạo lõm trên mặt đường có xu hướng hút các vật cản như rác, bụi đất cả lúc nắng và mưa, làm giảm thêm diện tích thoát nước hữu hiệu so với thiết kế; việc dọn rác trước cửa thu khá khó khăn so với các dạng khác; dầm cửa thu dễ bị vỡ do là kết cấu bê-tông mỏng kê trên hai cạnh.

Việc thành phố triển khai nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa dù phát huy hiệu quả ở góc độ tăng khả năng tiêu thoát nước. Tuy nhiên việc khơi thông cửa thoát nước đối với hạ tầng kỹ thuật hiện trạng cũng chỉ là giải pháp tình thế mà cần có sự đầu tư giải pháp công trình gồm: giải pháp thiết kế, đầu tư bổ sung để xử lý hài hòa các tác động từ hạ tầng thoát nước hiện trạng là chống ô nhiễm mùi hôi (trong mùa khô) nhưng phát huy cao nhất hiệu suất tiêu thoát nước mùa mưa và bảo đảm mỹ quan đô thị trong chuỗi kết cấu hạ tầng kỹ thuật có mặt đường giao thông, vỉa hè, thoát nước.

Hiện một số địa phương đã thử nghiệm các giải pháp thiết kế áp dụng đối với cửa thu nước mặt cho đô thị. Mô hình nắp hố ga ngăn mùi tại Thành phố Hồ Chí Minh thì cửa thu có máng thu nước bằng bê-tông cốt thép để đưa nước mặt đường vào hố ga… có cả dạng đứng và dạng xiên theo hình dạng bó vỉa; tấm chắn rác bằng gang cầu ngoài phần nằm trên mặt đường còn có phần trên bó vỉa để tăng diện tích lỗ thoát nước.

Van ngăn mùi một chiều dạng lật bản lề được làm bằng vật liệu composite. Bên cạnh hệ thống van một chiều, nắp hố ga thí điểm có diện tích thu nước mặt là 0,378m2, độ dốc cửa thu lớn với khoảng cách giữa các miệng thu là 30m có thể ngăn sinh vật, dòng nước trong lòng cống tràn ra mặt đường. Mô hình ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì cấu tạo của hệ thống gồm 3 phần: hố thu nước mặt đường có lưới chắn bằng gang, hệ thống ngăn mùi gồm cửa phai chặn nước và ống nối…

Đối với Đà Nẵng cách đây 4 năm cũng đã thí điểm thực hiện mô hình các địa phương trên nhưng tấm chắn rác bằng bê-tông cốt thép thay vì bằng kim loại để giảm giá thành và chống bị mất cắp. Phần máng dẫn nước từ hố thu mặt đường vào hố ga bên trong được thay bằng các ống PVC, để phù hợp với việc vị trí hố ga cũ cách mặt đường khác nhau ở các tuyến khác nhau, có thể thi công nhanh chóng…

Do đó, ở thời điểm hiện tại, chống ngập cho đô thị mỗi khi có mưa lớn cần có giải pháp để khắc phục, nâng cao năng lực tiêu thoát nước gắn với kế hoạch đầu tư quy hoạch phát triển trong dài hạn. Giải pháp kỹ thuật công trình hiện nay cần chọn mô hình cấu tạo cửa thu nước và xem xét đề xuất đầu tư mới lẫn cải tạo hạ tầng thoát nước được cải thiện nhanh nhất suất đầu tư chấp nhận được.

Về lâu dài xử lý hạ tầng thoát nước để giải quyết căn cơ vấn đề ngập ở đô thị Đà Nẵng theo Sở Xây dựng là khi đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị của thành phố được triển khai. Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị.

Trước mắt, những đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu, trong đó phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa; hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng và triển khai dự án Cải tạo các hồ điều tiết khu vực sân bay.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.