Cú hích cho ngành du lịch

.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, kéo dài thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.

Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Trước đó, khi thảo luận về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, bảo đảm phù hợp các điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi, có lại với các nước nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc gia hạn chính sách thị thực giúp khách du lịch khi đến Việt Nam du lịch được kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách.

Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,6 triệu lượt. Mục tiêu năm 2023, Việt Nam đón 8 triệu khách quốc tế. Theo báo cáo “Triển vọng du lịch Việt Nam 2023” của Công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company (Việt Nam), năm 2022, thị trường khách quốc tế tại Việt Nam không như kỳ vọng khi chỉ đón 3,66 triệu khách so với mục tiêu 5 triệu khách. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế với tỷ lệ phục hồi chỉ bằng 23% năm 2019. Con số này thấp hơn tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới (55%).

Báo cáo thường niên này đưa ra vào tháng 3-2023, kỳ vọng phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam năm 2023 đạt 60-65% mức năm 2019. Song, trên bức tranh đó vẫn có những điểm sáng đối với một số địa phương, trong đó có ngành du lịch Đà Nẵng. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch Đà Nẵng đang lấy lại đà hồi phục rất tích cực sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Có thể thấy, từ khi chính phủ mở cửa du lịch (giữa tháng 3-2022), ngành du lịch, chính quyền thành phố rất nỗ lực trong việc thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng.

Chính sách kéo dài thị thực này càng có ý nghĩa rất quan trọng đối với du lịch Đà Nẵng, nhất là khi thành phố đang mở rộng, đa dạng các thị trường khách quốc tế. Nhiều hoạt động, sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022 diễn ra tháng 6-2022 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện của hơn 200 hãng hàng không, sân bay, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ; thành phố liên tục mở các đường bay mới tới Ấn Độ tháng 9 và tháng 12-2022 (nối Đà Nẵng tới 4 thành phố lớn của Ấn Độ); mở lại đường bay với Nhật Bản, đường bay với Campuchia …

Và mới đây nhất là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023 với sự tham gia của các đội đến từ Anh, Ý, Úc, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Canada, Đà Nẵng (Việt Nam). Với các chiến lược rõ ràng, sự nỗ lực của thành phố trong tổ chức các sự kiện, nối lại các đường bay quốc tế cho thấy kết quả khả quan trong những tháng đầu năm 2023.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 9.359 tỷ đồng, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ 5 tháng ước đạt 2,826 triệu lượt, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1.545 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Chính sách kéo dài thị thực có hiệu lực từ tháng 8-2023, đây là tin vui của ngành du lịch. Là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá tới các thị trường mục tiêu ngay trong mùa đón khách quốc tế kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5 hằng năm.

Với các doanh nghiệp chuyên khai thác khách quốc tế, nhất là các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ khách thường lên kế hoạch đi du lịch từ trước cả năm thì chính sách này sẽ thuận lợi hơn cho du khách. Kỳ vọng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ cao hơn con số dự báo, khi các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch có thể đón khách lưu trú từ 3 tuần trở lên thay vì kế hoạch ngắn hạn như lâu nay.

Cùng với sự nỗ lực của ngành du lịch trong việc tổ chức những sự kiện lớn mang tầm quốc tế, chính sách nới lỏng thị thực có hiệu lực tới đây sẽ là cú hích lớn để thu hút khách đến với Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần phục hồi và phát triển hơn nữa ngành du lịch.

HOÀNG NHUNG - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.