Nghĩ về trách nhiệm xã hội của người làm báo

.

Nghề báo được ví như người canh gác cho sự tử tế, minh bạch và trách nhiệm trong xã hội. Đó cũng chính là nguyên tắc nghề nghiệp mà những người theo nghề phải tuân thủ, như một lý tưởng mà đi liền với nó là các tiêu chuẩn về sự công bằng, sự thật, minh bạch và trách nhiệm mà một nhà báo chân chính theo đuổi.

Đội ngũ những người làm báo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nhà báo cũng góp phần không nhỏ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thể hiện qua các cuộc thi mang tên giải “Búa liềm vàng”, cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở cấp Trung ương và nhiều địa phương tổ chức. Nhiều nhà báo không ngại gian khổ, hiểm nguy, dồn hết tâm sức cho nghề nghiệp, đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực nhằm góp sức làm lành mạnh đời sống xã hội.

Báo chí cách mạng có vai trò tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhân rộng ra toàn xã hội những cái hay, những nhân tố mới, điển hình; phê phán những hành vi sai trái, lệch lạc trong xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; tăng cường định hướng, quản lý các cơ quan báo chí, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Để thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi những người làm báo phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn.

Tại hội thảo “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực” do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 15-12-2002, nhà báo Hữu Thọ từng phát biểu: “Mỗi nhà báo có thể viết một bài báo hay, nhiều bài báo hay, có tác động đối với dự luận xã hội. Nhưng điều quan trọng đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo là sự tin cậy, quý mến của độc giả. Sự tin cậy, quý mến đó được hình thành từ phẩm chất chính trị, năng lực và đạo đức, thể hiện trong các tác phẩm và trong giao tiếp xã hội của người làm báo. Sự trung thực của người viết báo và tờ báo luôn được coi là phẩm chất hàng đầu. Làm báo trước hết là làm chính trị, mỗi dòng tin, bài báo viết ra phải từ trách nhiệm góp phần vào sự ổn định và phát triển của quê hương, đất nước. Phải đặt làm người trước khi làm báo. Nhà báo phải là người có cái tâm trong sáng, cuộc sống mẫu mực; là người hiểu sâu sắc và thực thi theo pháp luật một cách nghiêm cẩn nhất. Buồn thay, trong đội ngũ làm báo, lác đác vẫn có những nhà báo mà mỗi lần nhắc đến họ, cơ sở thường xì xào, e ngại, không muốn “dây” vào, dễ “rách việc”. Không muốn dây vào, có nghĩa là người ta không tôn trọng, không còn sự tin yêu, tin cậy của độc giả thì dù gì anh ta cũng chỉ là người đi “buôn lậu” với cái nhãn mác báo chí mà thôi”.

Hơn 20 năm sau hội thảo đó, vẫn còn một số nhà báo chưa nêu cao trách nhiệm trước xã hội và nghĩa vụ của công dân, sa sút phẩm chất đạo đức, thậm chí có những hành vi lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Có một số nhà báo bất chấp mọi nguyên tắc nghề nghiệp, không cần trung thực hay trách nhiệm đưa tin, không chỉ ra vấn đề xã hội hay nguyên nhân, giải pháp, mà nhào nặn thông tin làm cho công chúng cảm thấy bất an, sợ hãi khi chế tác thông tin, đưa tin giật gân, nhất là trên một số tờ báo điện tử.

Hiện nay, khi báo chí đang trên con đường bước vào giai đoạn số hóa, dựa trên công nghệ, nền tảng số để phát triển nhanh hơn, đa dạng các loại hình, bên cạnh sự đầu tư cho báo điện tử ngày càng chất lượng, thì các tờ báo, đặc biệt là báo in phải hướng đến báo chí giải pháp đối với các vấn đề xã hội, thay vì đi theo hướng khai thác triệt để những tin tức giật gân. Báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo là một lý tưởng về mặt thông tin. Nó không chỉ đề ra giải pháp, mà cái chính là kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động, vì một xã hội tốt đẹp hơn. Báo chí giải pháp giúp cho chính sách đi đúng định hướng, công chúng được gợi mở để có một cái nhìn toàn diện hơn cho nhiều vấn đề mà chính sách đưa ra. Đó chính là trách nhiệm xã hội mà hiện nay mỗi nhà báo xem là đích đến trong quá trình làm nghề.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.