.

Chuyển hướng vươn khơi

Sơn Trà ba mặt giáp sông, biển nên biển và kinh tế biển được xác định là tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề khai thác hải sản ở quận Sơn Trà là nghề truyền thống từ lâu đời của một bộ phận lớn ngư dân ven biển và có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của quận.

Tập trung đóng mới tàu công suất lớn

Xác định ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương, nhiều năm qua, quận Sơn Trà tập trung thực hiện các đề án về phát triển và chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền khai thác thủy sản; quy hoạch chuyển đổi nghề đối với tàu cá có công suất nhỏ hơn 20CV… Việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền công suất lớn vươn khơi khai thác trên các vùng biển xa, đội tàu khai thác xa bờ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nâng cao năng lực khai thác hải sản và tạo nguồn lực vững chắc cho lực lượng sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Là phường có lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất quận, An Hải Bắc làm tốt công tác vận động ngư dân đầu tư nâng cấp cải hoán tàu thuyền, chủ động tham gia các mô hình khuyến ngư, đóng mới tàu cá bám biển vươn khơi. Tuy lượng tàu của phường không nhiều, chỉ với 86 tàu thuyền, nhưng công suất của mỗi tàu cao, bình quân 362CV/tàu. Ngư dân Lê Văn Xin, đầu tư 2 tàu cá có công suất 780CV và 800CV làm nghề chụp mực cho biết, ông làm nghề biển đã gần 40 năm, cùng với định hướng phát triển kinh tế biển của quận, ông mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá. Từ những ngày đầu làm thuê cho các tàu cá nhỏ lẻ, sau đó có vốn dần và vay mượn thêm, ông Xin đã đóng tàu có công suất lớn, rồi từ 1 tàu nay đã có 2 tàu, 1 tàu đang ra khơi đánh bắt, tàu còn lại ông Xin cùng các ngư dân đang sửa sang chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo. Ngư dân Mai Đăng Nhiều đang sở hữu một tàu cá công suất 710CV nhìn nhận, việc phát triển các tàu có công suất lớn không những giúp ngư dân ổn định kinh tế mà còn góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Vậy nên, ngư dân cũng đồng thuận, thống nhất cao với hướng đi của quận và thành phố đề ra.

Có thể nói, Sơn Trà là quận có năng lực khai thác hải sản chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng tàu thuyền lẫn công suất và sản lượng hải sản khai thác so với các địa phương khác của thành phố. Việc đầu tư đóng mới phát triển tàu công suất lớn, chuyển đổi sang các nghề khai thác chọn lọc, có hiệu quả tại vùng lộng và vùng khơi, số tàu nhỏ khai thác tuyến bờ có xu hướng giảm đã tạo nên sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu tàu thuyền, nghề khai thác hải sản của quận theo hướng vươn khơi. Nếu năm 1997, trên địa bàn quận không có tàu khai thác xa bờ công suất từ 90CV trở lên, đến nay, số lượng tàu thuyền trên địa bàn quận hơn 1.100 chiếc, với công suất bình quân 122,9CV. Trong đó, có 245 chiếc công suất 400CV trở lên; tàu đóng mới là 26 chiếc, hỗ trợ xả bản 28 tàu có công suất nhỏ hơn 20CV…

Ngư dân yên tâm bám biển sản xuất

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, UBND quận Sơn Trà tập trung dịch vụ hậu cần thủy sản, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng âu thuyền trú bão, khu công nghiệp dịch vụ hậu cần thủy sản với hệ thống cảng cá, chợ đầu mối, khu chế biến thủy sản, khu công nghiệp đóng sửa tàu thuyền... Trên địa bàn quận hiện có 77 tổ khai thác hải sản hoạt động hiệu quả. Đồng thời, quận Sơn Trà tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức liên quan đến khai thác hải sản, bảo quản sản phẩm; tập hợp ngư dân vào các tổ chức để phát huy tính cộng đồng, hỗ trợ nhau trong sản xuất và phòng tránh thiên tai…, từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, bảo quản sản phẩm của ngư dân. Hiện quận Sơn Trà đã thành lập và hỗ trợ hoạt động cho 2 nghiệp đoàn nghề cá.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, trong định hướng phát triển thời gian tới, quận Sơn Trà sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế, thực hiện tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng hiệu quả, gắn kết khai thác với chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên vùng biển xa. Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề theo hướng vươn khơi; khuyến khích và hỗ trợ phát triển tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại để tăng khả năng khai thác; phát triển dịch vụ hậu cần thủy sản, cung cấp các dịch vụ trên biển; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình nghiệp đoàn nghề cá; chú trọng đào tạo đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, tập huấn kiến thức về thông tin liên lạc, ngư trường an toàn trên biển; hạn chế đánh bắt ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sinh thái biển…

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trung tâm nghề cá Đà Nẵng là một trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường trọng điểm Biển Đông và Hoàng Sa. Ngày 17-10-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 4209/QĐ-BNN-KH về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.