.

Dấu ấn 20 năm đổi mới

.

Ngày 23-1-1997, tại Nghị định số 07/1997/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng, quận Sơn Trà - đơn vị hành chính mới, chính thức được thành lập. Quận Sơn Trà nằm về phía đông thành phố Đà Nẵng, trải dài theo hạ lưu phía hữu ngạn sông Hàn. Ba mặt giáp sông, biển, quận Sơn Trà có 7 phường: An Hải Đông, An Hải Tây, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang.

Đến nay, hạ tầng đô thị quận Sơn Trà ngày càng hoàn thiện, hiện đại.
Đến nay, hạ tầng đô thị quận Sơn Trà ngày càng hoàn thiện, hiện đại.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển theo đơn vị hành chính cấp quận, có thể thấy tốc độ đô thị hóa ở Sơn Trà nhanh so với các địa phương khác của thành phố Đà Nẵng.

Quận rà soát quy hoạch tổng thể các dự án trên địa bàn; tiến hành tổ chức công bố quy hoạch, giao mốc, quản lý và lưu trữ hồ sơ quy hoạch của 426 dự án; phối hợp tổ chức hai đợt công bố quy hoạch và phân kỳ đầu tư 65 dự án trên địa bàn quận giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2012-2015; đề xuất thành phố phê duyệt khớp nối tổng thể các đồ án quy hoạch chi tiết TL 1/500 trên địa bàn quận; triển khai và thực hiện các nội dung quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2537/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tranh thủ sự hỗ trợ của các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, thành phố, vốn tài trợ của nước ngoài và phát huy nội lực từ nguồn vốn đóng góp của toàn dân, quận Sơn Trà tập trung đầu tư nhanh chóng cải tạo diện mạo từ “nhà không số, phố không tên” trở thành khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp và văn minh như hôm nay.

Năm 1997, hầu hết các đường trong khu dân cư đều là đường đất cát và đá dăm, không có hệ thống thoát nước và điện chiếu sáng; đến nay, hạ tầng đô thị quận ngày càng hoàn thiện, hiện đại với nhiều cầu mới xây dựng (cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước…).

Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch như Trần Hưng Đạo (Bạch Đằng Đông); đường Ngô Quyền mở rộng trong trục Hành lang kinh tế Đông - Tây; đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp); hàng chục tuyến đường ngang, hàng loạt dự án phát triển kinh tế - du lịch, dân sinh như nâng cấp mở rộng cảng Tiên Sa, đường bao quanh và các dự án du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà, Âu thuyền Thọ Quang, Cụm công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang; hàng chục công trình giáo dục, y tế, khu vui chơi, chợ và các khu dân cư mới Mân Thái, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Thọ Quang, đặc biệt là dự án xóa nhà chồ Nại Hiên Đông… đã tạo cho Sơn Trà hình ảnh đô thị mới năng động, hiện đại phía đông thành phố.

Bên cạnh đó, nổi bật trong phát triển hạ tầng cơ sở là khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây cũng là điểm sáng trong việc huy động sức dân mà quận Sơn Trà nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung triển khai thực hiện từ rất sớm so với các địa phương trong cả nước.

Ngoài đóng góp bằng tiền của, nhân dân còn đóng góp bằng tường rào, cổng ngõ, đất đai... mà không nhận tiền đền bù với trị giá hàng trăm tỷ đồng như đường Lê Hữu Trác, một số tuyến đường nội bộ phường An Hải Đông... Trong công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quận đã làm tốt công tác phối hợp với hàng chục Ban dự án triển khai công tác giải tỏa mặt bằng hơn 150 dự án của Trung ương và thành phố, di dời hơn 17.000 hộ dân, bảo đảm tiến độ kế hoạch giải tỏa chung của thành phố, nhưng không để xảy ra điểm nóng, không có khiếu kiện đông người.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế quận đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu nổi bật và toàn diện; tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận giai đoạn 1997-2016 đạt 9,9%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế quận chuyển dịch theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đã đề ra trong các giai đoạn, tạo tiền đề cho kinh tế phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 6,8 lần, từ 1.164 tỷ đồng năm 1997 lên 7.900 tỷ đồng năm 2016. Sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp là thủy sản đông lạnh, hàng dệt may, đồ thủ công mỹ nghệ…

Thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp không ngừng được mở rộng, cơ cấu mặt hằng ngày càng phong phú đa dạng; trong đó có sự đóng góp của Khu công nghiệp Đà Nẵng và Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, do quy hoạch chỉnh trang đô thị nên diện tích đất nông nghiệp giảm dần, ngành khai thác thủy sản được chú trọng đầu tư nâng cấp cải hoán, đóng mới tàu thuyền với trang thiết bị hiện đại theo hướng vươn khơi. Tính đến tháng 9-2016, tổng số tàu khai thác hải sản xa bờ là 319 chiếc với tổng công suất 142.534CV.

Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ du lịch phát triển mạnh đã làm thay đổi bộ mặt của quận Sơn Trà. Dịch vụ là lĩnh vực có bước phát triển nhanh và toàn diện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 528 tỷ đồng năm 1997 lên 10.600 tỷ đồng năm 2016, tăng gấp 20 lần so với năm 1997.

Phục vụ cho lĩnh vực dịch vụ là cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, mạng lưới bán lẻ được phân bố đều và rộng khắp, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ được quy hoạch lại và xây dựng mới khang trang; số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng tăng; chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên phục vụ tốt hoạt động dịch vụ trên địa bàn.

Trong đó, dịch vụ du lịch đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế chủ đạo của quận; với lợi thế bãi biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của bán đảo Sơn Trà cùng các điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch phong phú, hạ tầng cơ sở hoàn thiện, hiện đại với 172 khách sạn, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như Intercontinental, Sơn Trà Resort and Spa, khu du lịch Biển Đông..., cơ sở ăn uống phát triển nhanh dọc theo các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh… đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn quận (lượng khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà bình quân hằng năm hơn 500.000 lượt khách, lượng khách lưu trú tại Sơn Trà chiếm hơn 35% trên tổng số lượt khách đến tham quan du lịch tại Đà Nẵng).

Bài và ảnh: THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.