.
TIẾN TỚI NGÀY BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021 (22-5-2016)

Sự lựa chọn nghiêm túc và dân chủ

.

Chưa đầy một tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp trên phạm vi cả nước. Để chuẩn bị cho sự kiện chính trị trọng đại này, từ giữa năm 2015 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều công việc có liên quan để việc chuẩn bị nhân sự cũng như các thủ tục cần thiết theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa kết thúc, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương tới cơ sở đã khẩn trương tiến hành những bước đi hết sức cụ thể, chặt chẽ và thận trọng nhằm phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp bảo đảm tính nghiêm túc và dân chủ.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Phân định rõ hơn vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường”.

Với tinh thần đó, việc chọn lựa các đại biểu Quốc hội hay HĐND các cấp đang đặt ra các yêu cầu về năng lực, phẩm chất đạo đức như: phải thật sự là những công dân, những cán bộ có phẩm chất tốt, có năng lực và trách nhiệm cao cả với đất nước, với dân tộc.

Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Ban tổ chức Trung ương Đảng ngày 31-1-2016 đã nêu rõ về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu phải là “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”. Do vậy, nhiều tháng qua, công tác nhân sự đã thực hiện những bước đi nghiêm túc, công khai, dân chủ, quy trình chặt chẽ, cách làm bài bản, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ủy ban MTTQ Việt Nam với vai trò được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015 là: tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tổ chức hội nghị cử tri; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; tổ chức các hoạt động giám sát bầu cử; tổ chức tuyên truyền, vận động về bầu cử để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân...

Mặt trận các cấp đã và đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xem xét, xử lý đứt điểm, kịp thời những trường hợp phát sinh liên quan đến người ứng cử trước khi đưa vào danh sách bầu cử chính thức.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Việc giới thiệu người ứng cử là cả quy trình chặt chẽ, không riêng MTTQ làm được. MTTQ chỉ làm bước sau cùng, cho nên Hội nghị hiệp thương phân bổ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nào thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về người do mình giới thiệu theo đúng luật định. Với người ứng cử dự kiến làm đại biểu chuyên trách cũng có quy định riêng, hoặc đại biểu ứng cử là đảng viên thì còn phải bảo đảm theo hướng dẫn của Đảng.

Điều đó cho thấy, việc chọn lựa một công dân đưa vào danh sách đại biểu để dân bầu là cả một quá trình, với những bước đi cụ thể, chặt chẽ theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, được kiểm tra, đánh giá nghiêm túc về mọi mặt, không tùy tiện, không để lọt cơ hội cho những người không thực tâm với quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Hay nói cách khác, việc chọn lựa các đại biểu (dù được cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể giới thiệu, hay tự ứng cử) đều phải tuân theo quy trình như trên đã đề cập và phải đạt các tiêu chuẩn như Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW đã đặt ra.

Đương nhiên, theo quy định, số lượng đại biểu qua lần hiệp thương thứ 3 đã chốt danh sách chính thức để công khai cho các cử tri cả nước nghiên cứu, trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Bắt đầu từ ngày 27-4, sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, các đơn vị, địa phương trong cả nước sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử  đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp vận động bầu cử và sẽ kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ 00 ngày 21-5-2016).

Thế nhưng trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội cả trong và ngoài nước đã có không ít những thông tin sai lệch khi cho rằng, không có tự do, dân chủ trong việc chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhất là việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng như qua các lần hiệp thương một cách công khai.

Nhưng họ không hiểu thực chất của vấn đề là một số người theo quy định không bảo đảm tiêu chuẩn như Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 qua Hội nghị hiệp thương lần thứ 1, lần thứ 2 và lần thứ 3 đã bị loại khỏi danh sách.

Thậm chí một số người tự ứng cử, khi thực hiện việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, được các cử tri chất vấn về phẩm cách đạo đức về những hành động của họ có dấu hiệu chống lại lợi ích của dân tộc, của đất nước và yêu cầu trả lời một cách minh bạch, thì họ không đáp ứng đầy đủ, mà thông qua các trang mạng xã hội, họ lu loa lên rằng họ bị đấu tố một cách tàn nhẫn?! Cá biệt, có người còn gửi đơn thư khiếu nại lên Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc gửi ra các tổ chức nước ngoài nhờ can thiệp, hoặc lên án Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Tất cả những hành động đó của họ sẽ không thuyết phục được ai. Vì tiến trình chuẩn bị cho công tác nhân sự cũng như các công việc có liên quan khác cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các cơ quan có liên quan đã thực hiện các bước đi đúng với Hiến pháp và pháp luật quy định. Nó thể hiện sự công khai, minh bạch và dân chủ được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bởi vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với tinh thần đó, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND sắp đến nhất định sẽ là ngày hội của toàn dân, nhằm lựa chọn bầu ra những đại biểu thực sự xứng đáng cho quyền và lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của đất nước, như Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.