.

Đặc xá năm 2015: Bồi hồi trước ngày trở về

.

Dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, Trại tạm giam Hòa Sơn (Công an thành phố Đà Nẵng) có 25 phạm nhân thuộc diện được xét đặc xá và tất cả phạm nhân này đều mong muốn sớm trở về với gia đình để làm lại cuộc đời.

Các phạm nhân ở Trại tạm giam Hòa Sơn tham gia lao động, tăng gia sản xuất.
Các phạm nhân ở Trại tạm giam Hòa Sơn tham gia lao động, tăng gia sản xuất.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi thăm Trại tạm giam Hòa Sơn vào một ngày cuối tháng 8 là không khí vui mừng xen lẫn hồi hộp lan tỏa từng đội, từng phân trại. Ai nấy đều làm việc rất tích cực, chăm chỉ. Các phạm nhân ở đây chia sẻ với nhau những nỗi niềm, chúc mừng, động viên nhau và hy vọng một ngày không xa, cơ hội được đặc xá sẽ đến với họ.

Qua gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với những phạm nhân trong diện được đề nghị đặc xá, chúng tôi mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc của họ trong những ngày đặc biệt này. Phía sau niềm vui ấy chất chứa biết bao tâm tư, nỗi niềm, quyết tâm và nghị lực của họ trong thời gian cải tạo.

Nữ phạm nhân Phạm Thị H. (SN 1976, quê Nam Định, tạm trú quận Liên Chiểu) không khỏi vui mừng khi biết mình là một trong số phạm nhân được xét đặc xá đợt này. Là chủ một cơ sở buôn bán phế liệu lớn trên địa bàn quận Liên Chiểu, năm 2012, sau khi thấy nhóm đối tượng (có cả người nước ngoài) đến bán 500kg đồng sợi với giá rẻ, H. không ngần ngại mua luôn mà không biết đó là tài sản mà nhóm kia trộm cắp rồi đem bán. H. bị tòa tuyên 4 năm tù giam về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

“Sau khi vào trại, mình được Ban giám thị, các cán bộ, quản giáo quan tâm, động viên nên mình an tâm, phấn đấu cải tạo tốt để sớm được về đoàn tụ với chồng, con. Giờ đây, mình rất vui vì những nỗ lực trong suốt thời gian ở trại đã được ghi nhận”, Huyền tâm sự và cho biết, bản thân đã chấp hành cải tạo 28 tháng, nếu được đặc xá trở về sẽ tiếp tục buôn bán phế liệu. “Nhưng mình sẽ phải rất cảnh giác, chứ vấp một lần là đã sợ lắm rồi”, H. chia sẻ.

Cũng được đề nghị đặc xá trong dịp này, phạm nhân Dương Lê Văn A. (SN 1979, quê Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ sự hồi hộp, vui mừng đan xen trong gần tháng qua. “Mình vui lắm, cán bộ ơi! Nếu được đặc xá đợt này, mình sẽ được về nhà sớm 6 tháng, có nhiều thời gian chăm lo cho ba mẹ ở quê”, A. vừa nói, vừa quay mặt đi nơi khác. Đôi mắt anh rưng rưng khi nhắc tới gia đình với người cha năm nay đã 88 tuổi, còn mẹ già cũng đã 76 tuổi thường xuyên ốm đau.

A. vốn là tài xế xe bồn. Năm 2013, trong lúc đi làm, anh gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người, bị phạt 30 tháng tù với tội danh “Vi phạm phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Được các cán bộ quản giáo động viên, A. luôn chấp hành tốt nội quy, kỷ luật của trại, quyết tâm cải tạo tốt để sớm được đoàn tụ với gia đình. “Nếu được đặc xá đợt này, mình hứa sẽ trở thành một công dân tốt. Mong muốn lớn nhất là xã hội sẽ không kỳ thị mình để có thể sau này còn có thể xin làm tài xế, kiếm tiền nuôi bản thân và chăm sóc ba mẹ già”, Ánh tâm sự.

Đại tá Trần Thanh Thảo, giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn, cho biết ngay sau khi có Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10-7-2015 về đặc xá năm 2015 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn số 91/HD-HĐTVĐX của Hội đồng tư vấn đặc xá, trại đã quán triệt và có kế hoạch triển khai ngay trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các phạm nhân đang chấp hành án hình phạt tù tại trại.

Trại cũng niêm yết công khai, phổ biến đầy đủ hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá cho tất cả cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân. Sau đó, trại cũng quán triệt cho quản giáo phụ trách từng đội tổ chức họp phạm nhân để họ nghiên cứu, thảo luận kỹ các điều kiện được đề nghị đặc xá và cho họ tự liên hệ với bản thân. Sau khi đội phạm nhân giới thiệu những người đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá, đội tiếp tục thảo luận, bình xét và sau đó tiến hành bỏ phiếu kín. Những phạm nhân nào sau khi đủ điều kiện đề nghị đặc xá thì quản giáo lập hồ sơ và báo cáo Hội đồng xét duyệt đặc xá của trại xem xét.

“Những quyết định và hướng dẫn cụ thể giúp các trại tạm giam thuận lợi trong việc xem xét, lập hồ sơ đề nghị xét đặc xá. Qua đó, việc xét đặc xá mang tính dân chủ, khách quan, công bằng, công khai minh bạch và chặt chẽ đúng điều kiện quy định, không để sai sót và tiêu cực xảy ra”, Đại tá Trần Thanh Thảo nhấn mạnh.

Trước khi chia tay, Đại tá Trần Thanh Thảo tiết lộ thêm một tin vui: Mới đây, trong cuộc giao lưu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân do trại phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức, có hai doanh nghiệp ở Đà Nẵng cam kết sẽ đón nhận các phạm nhân có nhu cầu vào làm việc như những người bình thường.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.