.

Từ phong trào mang đậm tính nhân văn

.

“...Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta...”.

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng là tâm nguyện của mọi người Việt Nam yêu nước. Tâm nguyện ấy được chuyển hóa thành phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” - một phong trào mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Linh tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Linh tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng là chiến trường ác liệt và gian khổ nhất. Sự hy sinh của đồng chí, đồng bào rất to lớn và do đó công tác “đền ơn đáp nghĩa” luôn được quan tâm đặc biệt.

Từ phong trào “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Người con hiếu thảo” của Đoàn Thanh niên toàn thành phố đến phong trào “Nàng dâu hiếu thảo” chăm sóc cha mẹ liệt sĩ của các cấp Hội Phụ nữ ở Hòa Vang thực hiện một thời khá sôi nổi. Phong trào “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng” được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức hưởng ứng. Tất cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn thành phố đều được nhận phụng dưỡng chu đáo.

Mỗi năm, toàn thành phố đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa bình quân 20 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng để chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, xây dựng nhà tình nghĩa và tu sửa nghĩa trang liệt sĩ. Các đêm rằm và mồng một hằng tháng, ở tất cả các nghĩa trang trên địa bàn thành phố đều nghi ngút khói hương, lung linh ánh nến tri ân do Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2012), Mặt trận huyện Hòa Vang đã có sáng kiến kêu gọi, phối hợp tổ chức ngày giỗ chung các liệt sĩ vào dịp 27-7 hằng năm. Sáng kiến này đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Ngày giỗ chung các liệt sĩ ở Hòa Vang đã diễn ra chu đáo ở tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện và thực sự trở thành ngày hội của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Thực hiện mục tiêu làm cho mức sống của gia đình chính sách đạt trung bình khá so với cộng đồng, năm 2014 thành phố chủ trương vận động xây dựng, sửa chữa 800 căn  nhà cho  các đối tượng chính sách. Kết quả đã vận động xây dựng được 850 nhà. Khi bàn giao nhà, thành phố đã tặng cho mỗi gia đình một chiếc ti-vi. Năm nay, thành phố chủ trương tiếp tục vận động xây dựng 1.000 căn nhà cho các hộ chính sách và đồng bào dân tộc.

Đến nay, cơ bản đã hoàn thành 1.180 căn (vượt chỉ tiêu 180 căn). Ngày 27-7 năm nay, tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố sẽ tổ chức bàn giao nhà và tặng mỗi gia đình một chiếc ti-vi. Đây là trách nhiệm, là niềm vui chung của nhân dân thành phố; trong đó Mặt trận thành phố và ngành Lao động, thương binh và xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc vận động đầy ý nghĩa này.

Vào các năm chẵn và năm tròn, thành phố cử đoàn cán bộ lãnh đạo về tỉnh Quảng Nam ruột thịt,  ra tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng kết nghĩa để dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Đoàn đến thăm hỏi, tặng quà thân nhân các liệt sĩ, các thương bệnh binh… những người đã ngã xuống vì đất nước; vì miền Nam thân yêu để có được  tự do độc lập hôm nay.

Có thể nói, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn thành phố đạt được nhiều thành tựu to lớn, đáng tự hào. Tuy nhiên, đó đây vẫn còn tình trạng pha đợt (tập trung vào dịp 27-7 hoặc tháng “Đền ơn đáp nghĩa”, chưa thực sự trở thành phong trào thường xuyên, tự giác của các tầng lớp nhân dân.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:  “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, than niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (*)

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta sẽ được lưu truyền mãi mãi từ đời này, sang đời khác; từ thế hệ trước đến thế hệ sau… một khi chúng ta thể hiện bằng việc làm hết sức cụ thể, bằng thái độ trân trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh vì dân, vì nước.

NGUYỄN ĐĂNG HẢI

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN thành phố Đà Nẵng


(*) Bản viết tháng 5-1968, Bộ Chính trị khóa VI công bố ngày 19-8-1989.

;
.
.
.
.
.