.
PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Bắt đầu từ gia đình

.

Viết cam kết, giận dỗi, thậm chí... dọa ly hôn là những biện pháp của nhiều bà vợ để đối phó với khói thuốc lá. Ngăn chặn khói thuốc bắt đầu từ gia đình là việc làm hữu hiệu cần được khuyến khích.

Sáng tác tranh cổ động phòng, chống hút thuốc lá tại Đà Nẵng.
Sáng tác tranh cổ động phòng, chống hút thuốc lá tại Đà Nẵng.

Mâu thuẫn từ... điếu thuốc lá

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Minh (kỹ sư xây dựng, nhà ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) được xem là một gia đình kiểu mẫu của xóm bởi anh chị đều có hình thức khá tương xứng và công việc ổn định. Khi cu Bin, cậu con trai đầu lòng ra đời thì hạnh phúc của vợ chồng anh Minh tưởng như trọn vẹn. Nhưng cũng từ đó, xung đột thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân cũng tại… điếu thuốc lá. “Ngày mới lấy nhau, anh ấy thỉnh thoảng mới hút. Mình cũng phản đối, nói nặng nói nhẹ. Thế nhưng, từ khi có con, anh ấy hút nhiều hơn, ngồi một lúc là đốt hết bao thuốc”, chị Lê Thị Lan, vợ anh than phiền.

Thỏ thẻ bên gối không xong, chị Lan quyết định dùng biện pháp mạnh tay hơn để bảo vệ… lá phổi của chồng và chính mình. Đầu tiên là tuyệt thực, sau là chị đưa con sang ngủ nhà mẹ đẻ. Cuối cùng anh Minh đành… nhượng bộ, giảm hút thuốc và không hút thuốc trong nhà.

Với chị Ngô Hoàng Ngân (32 tuổi, nhân viên bán vé máy bay, nhà ở quận Hải Châu), “hành trình” giúp chồng bỏ thuốc cũng gian nan không kém. Từ việc đặt nội quy cấm hút thuốc, khắp nơi trong nhà chị đều dán bảng “Không hút thuốc”, đến việc to tiếng với chồng để bảo vệ lá phổi cũng được chị triển khai triệt để. Cuối cùng, chưa hiệu quả, chị đành dùng “hạ sách” là lôi kéo con về “phe” mình. Vậy là đứa nhỏ suốt ngày: “Bố ơi, miệng bố hôi quá!”, “Bố ơi, bố đừng hút thuốc, mẹ buồn”, “Con nghỉ chơi với bố”, v.v… “Chiêu” cuối của chị Ngân có vẻ có tác dụng khi anh Hoàng, chồng chị, đã giảm hút thuốc và hứa sẽ bỏ hẳn. “Mình nói 10 không bằng thằng bé nói 1. Hơn nữa, anh ấy thấy con bị ho nhiều do hít khói thuốc nên cũng suy nghĩ lại lời vợ nói và quyết tâm bỏ thuốc lá”, chị Ngân thổ lộ.

Hút thuốc thụ động ảnh hưởng sức khỏe

Theo bác sĩ Trần Bá Thoại, Trưởng khoa Điều trị tổng hợp thuộc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, trong khói thuốc lá có hàng ngàn chất độc, chất hóa học, trong đó có nhiều chất gây ung thư. Những chất này không chỉ gây độc cho người hút mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của những người xung quanh khi hít phải khói thuốc. Những chất độc trong khói thuốc có thể gây ra những bệnh về hô hấp, tim mạch, nội tiết, sinh sản, cơ xương khớp, thần kinh… Tại bệnh viện, các bác sĩ đã điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh nặng như: ung thư phổi, suy hô hấp… do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp của khói thuốc. Bởi vậy, cần quyết liệt nói không với khói thuốc.

Theo đánh giá của Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Mỗi năm, thuốc lá gây tử vong 40.000 người và ước tính con số ngày sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030. Ở nước ta, số người hút thuốc thụ động rất nhiều, phần lớn là phụ nữ và trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động tại nhà, tại nơi làm việc ở và những nơi công cộng. Chi phí điều trị nội trú, ngoại trú và tự điều trị cho 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá khá lớn, gần 9.000 tỷ đồng. Thuốc lá còn là tác nhân gây ra 10% các vụ tai nạn và cháy nổ, ảnh hưởng không tốt đến năng suất lao động.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đang được thi hành nhưng còn nhiều bất cập nên việc thực hiện không ít khó khăn. Bởi vậy, ngành y tế khuyến cáo mỗi người, mỗi nhà hãy nói “không” với khói thuốc để bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân yêu.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.