.

"Phá rào" tìm lối đi riêng

.

Với hàng loạt cách làm sáng tạo như: lập trung tâm cai nghiện đầy đủ trang thiết bị hiện đại vào loại nhất nước, ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý chặt người nghiện ở cộng đồng..., Đà Nẵng đã tìm lối đi riêng trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Học viên chơi thể thao ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.
Học viên chơi thể thao ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.

Hát karaoke ở... trung tâm cai nghiện

Những câu hát chưa trọn vẹn, lời bài hát ngắt quãng bởi lúc nhớ lúc quên của các học viên cai nghiện nhưng không khí trong phòng hát karaoke của Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm 05-06) khá rôm rả. Ít ai biết rằng, họ đang là con nghiện và từng ngày phải khó nhọc trên hành trình trở về với cuộc sống thường nhật. “Mình vào đây được gần 1 năm.

Điều kiện sinh hoạt, ăn ở trong này rất tốt nên không chỉ đỡ thèm “thuốc” mà mình thấy khỏe hẳn lên, cũng không lo bị hàng xóm xa lánh hay phải kiếm tiền bằng mọi cách để mua “hàng” hút nữa. Các hoạt động thể thao, hát karaoke tại trung tâm khiến mình cũng như các bạn đang cai nghiện ở đây rất thích và tham gia nhiệt tình”, anh N.T.L (34 tuổi, ở quận Thanh Khê) thổ lộ. L. đã lần thứ ba vào Trung tâm 05-06 vì sức quyến rũ của “nàng tiên nâu”. Anh bảo, lần này quyết tâm cai thuốc để trở về với vợ con.

Đà Nẵng đầu tư xây dựng Trung tâm 05-06 ở thôn Bàu Bàng, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) trên diện tích hơn 100ha với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Đây được xem là trung tâm cai nghiện lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này. Tại trung tâm hiện có 3 giàn karaoke phục vụ cho học viên giải trí mỗi tuần một lần vào tối thứ 7 hoặc chủ nhật.

Ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06 cho biết: “Trong dịp lễ, Tết và Tháng hành động phòng, chống ma túy, trung tâm chúng tôi đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục-thể thao như: hội thi văn nghệ, thi viết báo tường, thi đấu bóng chuyền, đội hình đội ngũ, bóng bàn, đá cầu, cờ tướng, điền kinh và tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, đổ nước vào chai… Ngoài ra, còn bố trí cho học viên sinh hoạt, hát karaoke; qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy chế của học viên”.

Theo ông Tạo, công tác tổ chức cai nghiện tại Trung tâm 05-06 được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ, từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tư vấn, đến việc giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, tổ chức lao động sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất kích thích từ bên ngoài vào. Công tác giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy văn hóa, dạy nghề luôn được Trung tâm quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên.

Trong 5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức 9 khóa dạy nghề cho hơn 200 học viên, định kỳ hằng tuần đều xây dựng lịch học các lớp giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách. Trung tâm đã tiếp nhận hơn 2.000 lượt đối tượng nghiện ma túy, giải quyết cho hơn 1.800 lượt người về hòa nhập cộng đồng. Hiện trung tâm đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 331 học viên, trong đó 54 học viên là người ngoài thành phố.

Quản lý sau cai: tìm lối đi riêng

Những năm qua, Đà Nẵng chú trọng công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết sau khi hết thời hạn tập trung cai nghiện, Trung tâm 05-06 gửi hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện, tổ chức bàn giao học viên cho địa phương và gia đình để cùng phối hợp quản lý, giúp đỡ.

Sau khi về địa phương, người sau cai nghiện được chính quyền theo dõi, đồng thời phân công tổ chức, cá nhân ở địa phương theo dõi, giúp đỡ trong quá trình hòa nhập cộng đồng, phòng tránh tái nghiện. Tính đến nay, toàn thành phố có hơn 200 người trong diện được quản lý sau cai nghiện, được phường, xã lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục.

Hằng tháng, các địa phương đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện. Mỗi quý, Ban chỉ đạo phường, xã cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện họp, kiểm điểm, nhận xét về quá trình phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của người sau cai nghiện.  

Việc ra quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy cũng được xem là một trong những cách làm “phá rào” của Đà Nẵng. Nhanh gọn và đúng luật với việc rút ngắn thời gian, thủ tục trong việc đưa người nghiện đi cai đã giúp Đà Nẵng giải bài toán khó về quản lý người nghiện ở cộng đồng.

Từ khi triển khai thực hiện quy chế này, toàn thành phố đã lập hồ sơ áp dụng các hình thức, biện pháp cai nghiện cho gần 500 trường hợp (ngoài tỉnh 69 trường hợp). “Trong 5 năm qua, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến trên nhiều mặt.

Tất cả người nghiện ma túy đã phát hiện đều được tổ chức cai nghiện với nhiều hình thức đa dạng. Hầu hết người sau cai nghiện được địa phương quản lý, giáo dục, giúp đỡ và được dạy nghề, hỗ trợ việc làm. Đến nay, có khoảng hơn 200 người sau cai có việc làm”, ông Hùng cho biết.

Bài và ảnh: KIM NGÂN - HƯƠNG SEN

;
.
.
.
.
.