.

Công trình tri ân và lưu giữ truyền thống

.

Phải làm điều gì đó để ghi nhớ truyền thống địa phương, nhắc nhở thế hệ trẻ quê hương mình là Anh hùng lực lượng vũ trang! Đền tưởng niệm phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu được xây dựng xuất phát từ ý tưởng này.

Gian thờ chính của Đền tưởng niệm phường Hòa Hiệp Nam.
Gian thờ chính của Đền tưởng niệm phường Hòa Hiệp Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phường Hòa Hiệp Nam có cống hiến to lớn về sức người, sức của vào chiến thắng chung của dân tộc. Phường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sự hy sinh cũng rất lớn.

Phường có 69 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (5 Mẹ còn sống), 353 liệt sĩ, 182 thương bệnh binh, 91 người có công cách mạng, 18 người nhiễm chất độc hóa học là hậu quả của chiến tranh. Người có công đầu về ý tưởng xây đền tưởng niệm là ông Lê Duy Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường.

Ông cho hay: Ý tưởng này xuất phát khi đến tham quan một số địa phương ở phía Bắc có những công trình tương tự. Ý tưởng xây đền tưởng niệm để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần, các liệt sĩ của phường được Ban Thường vụ Đảng ủy bàn và thống nhất.

Lô đất được chọn ở tổ 32 vốn là trụ sở HTX nông nghiệp từ sau năm 1975. Nay HTX giải thể, lô đất chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng, phần lớn là bỏ hoang. Vấn đề gay cấn nhất là kinh phí xây dựng. Cân nhắc không huy động sức dân bởi đời sống nhân dân còn khó khăn, lãnh đạo phường thống nhất chủ trương xã hội hóa nguồn kinh phí xây dựng công trình này.

Theo phân công, lãnh đạo phường chia nhau đi vận động các nhà hảo tâm, vận động con em quê hương Hòa Hiệp Nam đang làm ăn cả trong và ngoài địa bàn phường. Đồng thuận với ý nghĩa của công trình, rất nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp tiền, vật liệu. Hay tin phường xây đền tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Đức, thương binh 3/1 ủng hộ ngay 10 triệu đồng.

Ông cho biết: Xây đền để có nơi tưởng niệm tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, lưu giữ truyền thống quê hương là việc rất nên làm. Phường không huy động sức dân nhưng ai có điều kiện nên góp tay vào công trình ý nghĩa này”.

Đồng quan điểm với ông Đức, khá nhiều nhà hảo tâm, con em quê hương ủng hộ rất nhiệt tình. Mặt trận và các đoàn thể, lực lượng Đoàn Thanh niên, dân quân góp hàng trăm ngày công lao động xây dựng với tâm niệm phần việc nào không đòi hỏi tay nghề kỹ thuật thì dùng nhân công của phường, không đi thuê để tiết kiệm kinh phí.

Ông Lê Duy Du vừa là người đưa ra ý tưởng xây đền tưởng niệm vừa là người tích cực nhất đi vận động tìm nguồn lực xây đền. Ông đi xin từng tấn xi-măng, cây sắt cho đến cây xanh để trồng ở sân đền. Khi công trình sắp hoàn thành, ông Du ra Hà Nội tìm đến giáo sư Vũ Khiêu để xin ông 6 câu đối với đại ý: Khẳng định lịch sử hào hùng của quê hương Hòa Hiệp Nam và tri ân sự hy sinh, cống hiến của Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ.

Các câu đối được khắc trong gian thờ và trên trụ cổng của đền tưởng niệm. Cuối tháng 1-2015, đền tưởng niệm phường Hòa Hiệp Nam được khánh thành với kiến trúc cổ kính đậm hồn dân tộc. Ngôi đền mở cửa hằng ngày và trở thành nơi lui tới các gia đình liệt sĩ.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Quảng có chồng và 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tâm sự: Chồng và con trai tôi đều còn hài cốt đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ có đứa con gái hy sinh năm 1968 vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Trong nghĩa trang liệt sĩ cũng không có mộ gió ghi tên nó. Nay có ngôi đền ghi tên cả 3 cha con tôi thấy an ủi phần nào. Mỗi lần vô đền thắp hương tôi cứ nhìn dòng chữ tên con gái mà thương nó quá...”

Khuôn viên đền tưởng niệm cũng trở thành nơi tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày truyền thống của các tổ chức của phường, hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cùng với hoạt động chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thăm viếng thân nhân liệt sĩ nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), từ năm 2015, phường Hòa Hiệp Nam sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần và các anh hùng liệt sĩ tại ngôi đền này.

Bài và ảnh: TRUNG VINH

;
.
.
.
.
.