.
40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Đập tan "cánh cửa thép" trên đèo Phượng Hoàng

Khi Sư đoàn 23 phản kích vào Buôn Mê Thuột không thành, quân ngụy điều động quân lập phòng tuyến mới hòng ngăn chặn đà tiến công của quân ta.

Trung đoàn 40 của Sư đoàn 22 từ Bình Định vào giữ đèo M’Đrắc, Lữ đoàn dù 3 từ Quảng Trị vào giữ đèo Phượng Hoàng.

Đèo Phượng Hoàng có địa hình phức tạp hiểm trở nhất trên đường 21, với chiều dài 12km nằm giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa. Với việc điều Lữ đoàn dù 3 lên trấn giữ đèo Phượng Hoàng, địch thành lập phòng tuyến cứng rắn để ngăn chặn bước tiến của quân ta tiến xuống Nha Trang, Cam Ranh.

Sư đoàn 10 và các đơn vị phối thuộc được giao nhiệm vụ tấn công Lữ đoàn dù 3, đánh chiếm đèo Phượng Hoàng, mở đường xuống Nha Trang. Vì vậy, phải tiêu diệt Lữ đoàn dù 3, đập tan khu vực phòng ngự của lữ đoàn trên đèo Phượng Hoàng.

Ngày 22-3, Sư đoàn 10 và các đơn vị phối thuộc tấn công giải phóng quận lỵ Khánh Dương (Ma Đrắc), quét sạch Trung đoàn 40 ngụy và 4 tiểu đoàn bảo an, giải phóng quận Khánh Dương. Tỉnh Đắc Lắc được hoàn toàn giải phóng.

Đến sáng 29-3, trận tấn công tuyến phòng thủ thép của địch trên đèo Phượng Hoàng được bắt đầu bằng màn tấn công của Trung đoàn pháo binh 40 đánh vào các trận địa pháo của địch. Do đạn pháo chiến lợi phẩm thu được trong khu tổng kho Mai Hắc Đế (Buôn Mê Thuột) khá dồi dào nên bộ đội pháo binh ta dùng ngay pháo binh chiến lợi phẩm, thực hiện “gậy ông để đập lưng ông”. Địch cho máy bay và pháo binh bắn trả dữ dội nhưng không quân địch bị pháo cao xạ của ta khống chế. Trong màn đấu pháo, pháo binh của ta ngay từ đầu đánh trúng mục tiêu, tiêu diệt 12 khẩu pháo của địch. Hỏa lực mạnh bị thiệt hại nặng, buộc quân dù co cụm lại để phòng thủ.

Sau màn đấu pháo, bộ binh và xe tăng của ta lần lượt đánh phá các mục tiêu. Đến ngày 1-4-1975, Lữ đoàn dù 3 của địch bị tiêu diệt, “cánh cửa thép” trên đèo Phượng Hoàng bị đập tan. Trong trận đánh đèo Phượng Hoàng, thượng sĩ Trịnh Mạnh Thường, nguyên Tiểu đội trưởng của tôi từ hồi chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và 4 chiến sĩ khác của Tiểu đoàn 117, Trung đoàn 234 hy sinh.

Thừa thắng, đại quân ta tiến công căn cứ Dục Mỹ (Khánh Hòa). Tại Dục Mỹ, quân ta nhanh chóng chiếm các mục tiêu như Trường huấn luyện biệt kích, Trường công binh, Trường pháo binh và tiếp tục tấn công quận lỵ Ninh Hòa. Đến rạng sáng 2-4-1975, Trung đoàn 234 cùng xe tăng, bộ binh tiến xuống quận lỵ Ninh Hòa, địch rút chạy tán loạn.

Biết tình hình nhân dân ở Nha Trang náo động, lực lượng địch đang rối loạn, đồng chí Vũ Lương, Trung đoàn trưởng 234, lúc bấy giờ bàn với đồng chí Vũ Đình Thước, Tham mưu phó Sư đoàn bộ binh 10 đề nghị với lãnh đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch theo cánh quân này là thiếu tướng Vũ Lăng và đại tá Đặng Vũ Hiệp, chớp thời cơ tổ chức phát triển tấn công giải phóng Nha Trang, tiến chiếm Ba Ngòi - Cam Ranh.

Ngày 2-4, đại quân ta tiến vào giải phóng Nha Trang. Sáng 3-4, bộ đội ta tiếp tục tiến quân theo quốc lộ 1 về hướng quân cảng Cam Ranh - Ba Ngòi. Máy bay địch đánh vào đội hình hành quân, bộ đội cao xạ vừa hành tiến vừa chiến đấu đánh máy bay địch, nhanh chóng tiến vào giải phóng Cam Ranh. Một cánh thọc sâu vượt cầu đánh chiếm quân cảng Cam Ranh, một bộ phận đánh chiếm cảng Ba Ngòi. Bộ đội phòng không không chỉ đánh máy bay của địch mà còn hạ thấp nòng bắn cháy hai hải thuyền của địch ở Cam Ranh. Đến 10 giờ 30 ngày 3-4, Cam Ranh hoàn toàn được giải phóng.

Thế là từ ngày 9-3, ngày mở màn đánh trận Đức Lập, đến ngày 3-4 giải phóng Cam Ranh, với đoạn đường 300km, phải trải qua 25 ngày đêm, vừa chiến đấu và hành quân chiến đấu, cánh quân binh chủng hợp thành Trung đoàn phòng không 234 cùng với sư đoàn 10 và các đơn vị binh chủng hợp thành, phối hợp chiến đấu và giành thắng lợi giòn giã. Trung đoàn 234 đã hoàn thành xứng đáng các nhiệm vụ được giao, vinh dự đóng góp vào Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, tạo điều kiện cho các đòn đánh tiếp sau đánh tiêu diệt lớn hơn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

TRƯƠNG MINH DỤC

Cựu chiến binh Trung đoàn 234

;
.
.
.
.
.