.

Cụ thể hóa Luật Dân quân tự vệ

.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Quân khu 5 cụ thể hóa Luật Dân quân tự vệ (DQTV) nhằm bảo đảm cho dân quân, đặc biệt là dân quân thường trực (DQTT), dân quân biển có chế độ chính sách phù hợp và hoạt động hiệu quả.

Dân quân Đà Nẵng huấn luyện bắn súng.
Dân quân Đà Nẵng huấn luyện bắn súng.

Dân quân thường trực xung kích

Ngày 1-7-2010, Luật Dân quân tự vệ (DQTV) ra đời (trước đó là Pháp lệnh DQTV) tạo điều kiện để thành phố Đà Nẵng tổ chức xây dựng, nâng cao chất lượng và khả năng hoạt động của lực lượng DQTV trong tình hình mới. Cụ thể hóa và đưa Luật vào triển khai thực hiện là việc làm không hề đơn giản vì chưa có mô hình để học tập kinh nghiệm. Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố trở thành đơn vị tiên phong trong việc xây dựng Đề án Tổ chức xây dựng và hoạt động của lực lượng DQTV giai đoạn 2011-2015. Đến nay, đã thực hiện được cơ bản các tiêu chí trong đề án.

Đà Nẵng hiện có 42/56 xã, phường trọng điểm về quốc phòng - an ninh; mỗi phường, xã có một tiểu đội dân quân thường trực (DQTT), biên chế từ 9-12 cán bộ, chiến sĩ, chiếm 1,56% tổng số dân quân toàn thành phố. DQTT luôn phát huy vai trò xung kích trong tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Không những thế, chung sức xây dựng nông thôn mới, DQTT huyện Hòa Vang góp công
bê-tông hóa đường liên thôn và diệt chuột phá hoại hoa màu. Dân quân quận Liên Chiểu tham gia đưa bà con thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc di chuyển vào đất liền sinh sống. Ở các địa phương khác, lực lượng DQTV còn phối hợp với Công an, Kiểm tra quy tắc đô thị chăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán; đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu; phối hợp giải quyết việc đền bù, giải tỏa, cưỡng chế chỉnh trang đô thị..., không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của Bộ CHQS Đà Nẵng là nhà làm việc, sinh hoạt cho dân quân. Tiêu chí đặt ra là “đến năm 2015, 100% xã phường xây dựng trụ sở, bảo đảm đủ các trang thiết bị cho Ban CHQS làm việc; nơi ở, sinh hoạt cho lực lượng dân quân trực làm nhiệm vụ”, nhưng đến nay thành phố mới xây dựng được 19/56 nhà. Khó khăn của thành phố là bố trí, quy hoạch nhà cho dân quân phải bảo đảm hoạt động độc lập, đồng thời không tách khỏi các mục tiêu cần bảo vệ trong khi quỹ đất ở các khu đông dân cư rất eo hẹp.

Trong phiên họp Đảng ủy Quân sự 6 tháng đầu năm 2014, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự thành phố, đã rất quyết liệt giao trách nhiệm cho Bộ CHQS và các địa phương phải thực hiện “cho tới nơi” tiêu chí này và báo cáo kết quả cho Thành ủy, UBND thành phố.

Vững vàng dân quân biển tập trung

Năm 2012, thành phố Đà Nẵng quyết định thành lập 2 trung đội dân quân biển tập trung (DQBTT), làm mô hình điểm cho Quân khu 5. Hai năm đi vào hoạt động đã chứng tỏ mô hình này đã có sức sống vững chắc

Trung đội DQBTT quận Thanh Khê được tổ chức tại Xuân Hà và Thanh Khê Đông với 25 chiến sĩ, biên chế 3 tiểu đội, tổ chức trên 4 tàu, ngư trường hoạt động từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Trung đội DQBTT quận Sơn Trà xây dựng tại phường Nại Hiên Đông với 31 chiến sĩ, cũng được biên chế 3 tiểu đội hoạt động trên 4 tàu, ngư trường Hoàng Sa, Vịnh  Bắc Bộ.

Sau mùa vụ khai thác, các địa phương chủ động huấn luyện cho DQBTT từ 2-3 đợt nhằm trang bị cho DQBTT các kiến thức về chủ quyền biển đảo, phương pháp nắm tình hình, nhận dạng tàu lạ, hoạt động đấu tranh khi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, quy định khoảng cách giữa các tàu trong trung đội, phương pháp thông tin liên lạc, chế độ phản ánh báo cáo tình hình.

Anh Lê Văn Chiến, Trung đội trưởng DQBTT quận Thanh Khê kể: Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế nước ta, tàu của Thanh Khê, trong đó có trung đội DQBTT đã dũng cảm bám ngư trường, có khi chỉ cách giàn khoan khoảng 12 hải lý. Bị rượt đuổi liên tục, tàu hư hỏng nhưng vẫn không hề nao núng và đây là một trong những yếu tố buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban DQTV Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng, từ ngày thành lập đến nay, DQBTT đã cung cấp 25 nguồn tin có giá trị liên quan đến hoạt động của tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và các hoạt động quân sự khác để các cơ quan chức năng xử lý. Lãnh đạo thành phố cho rằng, hoạt động của trung đội DQBTT có hiệu quả, là lực lượng tiên phong trong việc tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngoài bảo đảm chế độ chính sách theo pháp luật, dân quân biển được các quận, phường rất quan tâm, chăm lo giúp đỡ khi khó khăn.

Xây dựng mô hình DQBTT của Đà Nẵng là bước đi quan trọng trong việc huy động ngư dân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những kết quả bước đầu qua 2 năm thực hiện cho thấy tính đúng đắn của chủ trương này và mô hình cần được củng cố, nhân rộng các địa phương hơn trong thời gian tới.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN - NGỌC DIỆP

;
.
.
.
.
.