.

Quốc hội "nóng" với dự án sân bay Long Thành

.

* Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức quản lý ngân sách

Sáng 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án
Dự án sân bay Long Thành dự tính cần đến 18,7 tỷ USD để thực hiện

Cần 18,7 tỷ USD để thực hiện dự án

Theo Tờ trình của Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành được quy hoạch tại tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 45km theo đường chim bay, nằm tại trung tâm khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước. Mục tiêu xây dựng Cảng HKQT Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO); giữ vai trò là Cảng HKQT cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Chính phủ, khái toán tổng mức đầu tư 3 giai đoạn của dự án là 18,7 tỷ USD. Giai đoạn 1 hình thành Cảng HKQT nhằm hỗ trợ việc quá tải cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm, kinh phí đầu tư dự tính là 7,837 tỷ USD (164.589 tỷ đồng). Giai đoạn 2 nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa một năm, kinh phí đầu tư 3,818 tỷ USD. Giai đoạn 3 nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa một năm, kinh phí đầu tư 7,061 tỷ USD.

Dự án thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước, ODA và vốn huy động khu vực ngoài Nhà nước. Để tạo thuận lợi cho dự án trong quá trình triển khai, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét một số cơ chế đặc thù cho dự án về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, miễn tiền sử dụng đất khu bay, miễn thuế nhập khẩu cho các thiết bị, máy móc nhập ngoại...

Cần đánh giá tác động của dự án với nợ công

Thẩm tra Báo cáo đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành, Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: Hầu hết ý kiến tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, nước ta cần có một cảng HKQT hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Dù tán thành với chủ trương đầu tư, nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn, đề nghị làm rõ tính ưu tiên và thứ tự ưu tiên đầu tư của Cảng HKQT Long Thành trong quy hoạch ngành giao thông vận tải nói chung và quy hoạch ngành hàng không nói riêng; trong lúc khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên cân nhắc lựa chọn việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành hay lựa chọn đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam hoặc phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên cơ sở đánh giá toàn diện cả hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Theo báo cáo đầu tư, Dự án Cảng HKQT Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Nói cách khác là phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực.

Sau khi đánh giá bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng Cảng HKQT Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài; đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công...

B.T

Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Về Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa bày tỏ nhất trí cần sửa đổi luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mới về Kiểm toán Nhà nước; khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, phạm vi, đối tượng được kiểm toán; chế tài để bảo đảm hiệu lực của hoạt động kiểm toán; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức về hoạt động kiểm toán…

ĐB nhất trí phương án 2 tại khoản 3 Điều 15 dự thảo luật, quy định nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi hết nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quy định này phù hợp với Luật Cán bộ, công chức và các chức danh lãnh đạo cao cấp khác trong hệ thống chính trị của nước ta.

Đồng thời, ĐB đề nghị quy định nhiệm kỳ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước tại khoản 3 Điều 18 của dự thảo luật cũng giống như nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán, tức là theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Ngoài các đơn vị được kiểm toán theo quy định tại Điều 62 dự thảo luật, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị bổ sung thêm “Ban quản lý các dự án ODA” cũng là đơn vị được kiểm toán.

Về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, phạm vi sửa đổi luật chưa giải quyết được các vấn đề đang đặt ra liên quan đến phân cấp ngân sách, mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm HĐND có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương.

Luật chưa có những thay đổi căn bản về mô hình ngân sách lồng ghép để tạo thuận lợi hơn cho quá trình quản lý điều hành và phát huy quyền chủ động của chính quyền địa phương.

Theo ĐB Thân Đức Nam, thực tế do tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách Nhà nước mà nhiều chỉ tiêu thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định. Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu chi, lập dự toán tích cực mà thường có xu hướng lập dự toán thu thấp, dự toán chi cao để nhận trợ cấp nhiều hơn. Cấp ngân sách bên dưới phụ thuộc vào cấp ngân sách bên trên, tương ứng là phụ thuộc về trách nhiệm trong khi ngân sách cấp trên cũng ở trong tình trạng “nửa cấp ngân sách, nửa cấp dự toán ngân sách”…

ĐB cho rằng trên thực tế, chính quyền địa phương mới chỉ được tăng quyền về tổ chức thực thi ngân sách, còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương. Tương quan giữa nguồn thu được giữ lại và nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền địa phương chưa tương xứng. Theo ĐB, dự thảo luật tuy có nhiều sửa đổi nhưng quy trình lập dự toán, thẩm quyền các ngành, các cấp, cấu trúc thu chi… chưa có sự đổi mới đáng kể về tư duy và phương thức quản lý.

ĐB cho rằng, vấn đề phân cấp ngân sách là một nội dung quan trọng của luật này, bao gồm phân cấp về nguồn thu, nhiệm vụ chi và các giới hạn huy động vốn của chính quyền địa phương. Theo đó, thiết kế về phân cấp ngân sách phải đặt hiệu quả lên hàng đầu, nguồn lực nên tập trung về nơi có khả năng sử dụng hiệu quả nhất.

Các đô thị lớn nên được phân cấp tương xứng với vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng ĐB cho rằng các nội dung dự thảo cho thấy chưa có sự tiếp nhận quan điểm này. ĐB đề nghị cần xem xét lại và thay đổi cách phân chia tỷ lệ thu nộp ngân sách như hiện nay; vì khi quy định tỷ lệ thì những địa phương thiếu tiền sẽ xin giảm tỷ lệ nộp cho Trung ương, nhóm dư tiền nhiều thì thì bị đòi tăng tỷ lệ nộp về Trung ương. ĐB đề nghị luật cần quy định cơ chế làm sao cho các địa phương tìm cách tăng thu chứ không phải làm các địa phương tìm cách đi xin cấp ngân sách.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.
.