.

Kết nối yêu thương

.

Trong nhiệm kỳ qua, nhiều hoạt động sáng tạo, phong phú, đa dạng, sinh động và hiệu quả của các Hội Hữu nghị Việt-Lào, Việt-Nga, Việt- Nhật... đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa thành phố Đà Nẵng và các nước.

Hội Hữu nghị Việt -Nhật thành phố trao học bổng và hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo phường Nại Hiên Đông.
Hội Hữu nghị Việt -Nhật thành phố trao học bổng và hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo phường Nại Hiên Đông.

Tình hữu nghị truyền thống, đặc biệt

Xác định việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Hội Hữu nghị Việt-Lào đã thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán CHDCND Lào tại Đà Nẵng và các sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt hữu nghị, mít-tinh nhân các ngày lễ kỷ niệm của nước bạn (Quốc khánh nước CHDCND Lào, Tết cổ truyền Bunpimay Lào…), sự kiện ngoại giao quan trọng của hai nước (Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào, Lào - Việt…).

Nổi bật nhất là nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2012”, Hội đã tổ chức hàng loạt các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: mít-tinh kỷ niệm, triển lãm ảnh Việt - Lào, giới thiệu bộ tư liệu “Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt - Lào giai đoạn 1930 - 2007”, biên tập và phát hành tập sách “Như suối nguồn chảy mãi”.

Đặc biệt, một trong những biểu hiện sinh động nhất của việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động đoàn kết, hữu nghị chính là chương trình ở nhà dân (homestay) dành cho sinh viên Lào. Chương trình bắt đầu được triển khai thực hiện từ tháng 4-2011, cho đến nay đã đưa được 123 sinh viên Lào theo học tại các trường thuộc Đại học Đà Nẵng đến ở nhà dân.

Thông qua chương trình, các em sinh viên Lào được giao lưu, tiếp xúc, trau dồi ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam; người dân tiếp nhận sinh viên cũng có cơ hội được tìm hiểu, giao lưu với nền văn hóa đặc sắc của xứ sở hoa Champa; đặc biệt là “tình thân gia đình” nảy nở làm cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước càng thêm gắn bó keo sơn.

Để nuôi dưỡng và thắp sáng ngọn đuốc của quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào, trong những năm qua, Hội rất coi trọng việc giáo  dục thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên thành phố về mối quan hệ song phương đặc biệt này thông qua việc tổ chức những buổi nói chuyện, giao lưu giữa thế hệ trẻ với các thế hệ cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào cũng như các cán bộ Lào đã từng được đào tạo ở Việt Nam; mở rộng, phát triển mạng lưới chi hội ở các trường học; tăng cường công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các cựu quân tình nguyện (thăm ốm đau; tổ chức biểu diễn văn hóa, văn nghệ; phối hợp tổ chức giao lưu, gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào) v.v...

Kết nối để cùng nhau phát triển

Đà Nẵng là thành phố động lực của miền Trung. Vì vậy, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác đa diện tốt đẹp Việt Nam - Liên bang Nga. Với vai trò làm cầu nối, trong những năm gần đây, Hội Hữu nghị Việt - Nga thành phố Đà Nẵng đã kết nối được nhiều tổ chức kinh tế, văn hóa, giáo dục, nhiều địa phương của Nga với các cơ quan, doanh nghiệp Đà Nẵng. Theo đó, đã ký kết, triển khai thực hiện có hiệu quả hợp tác thương mại giữa Đà Nẵng với các địa phương Nga như: Nhizegorod, Briansk, đặc biệt là tỉnh kết nghĩa Yaroslavl...

Chi nhánh Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga tại Đà Nẵng hoạt động hiệu quả tại địa phương thông qua nhiều chương trình tư vấn và cung cấp thông tin thị trường Liên bang Nga, thu xếp vốn đầu tư, trực tiếp cho vay hoặc đồng tài trợ các dự án kinh doanh với phương châm “Kết nối thành công, đồng hành phát triển”; đặc biệt, lượng du khách Nga đến Đà Nẵng ngày càng đông hứa hẹn thị trường đầy tiềm năng với khả năng khai thác lớn.

Về doanh nghiệp, có Công ty CP Dệt may 29-3 và Xí nghiệp túi cặp da đã xuất sang Yaroslavl quần áo may sẵn, quần áo jeans, thảm len và các loại túi cặp; Công ty CP Cao su Đà Nẵng hợp tác với Liên doanh Sovietcom sản xuất màng lưu hóa lốp ô-tô, khuôn đúc làm lốp; Công ty Dameco hợp tác với Công ty Kholodmash sản xuất thí điểm tủ ướp đông. Về giáo dục, Trường Đại học Đà Nẵng ký kết với Trường Đại học Vladivostok, Trường Tổng hợp Astrakhan, Viện Tiếng Nga Puskin và nhiều trường đại học khác trong đào tạo ngôn ngữ.

Có thể thấy, công tác đối ngoại nhân dân mang nét đặc thù riêng, nó có thể bắt đầu từ những hành động cụ thể của những con người cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc tăng cường “quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, hoạt động đối ngoại nhân dân cần được xã hội hóa đến các tầng lớp nhân dân và mọi ngành nghề.

Bức tranh đầy màu sắc về quan hệ hữu nghị

Tại thành phố Đà Nẵng, quan hệ hữu nghị và hợp tác với Nhật Bản diễn ra sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Tính đến nay, Đà Nẵng có quan hệ hữu nghị, hợp tác với 7 tỉnh, thành phố của Nhật Bản gồm có Kawasaki, Sakai, Mitsuke, Nagasaki, Yokohama, Nagoya và Shunan; đồng thời Đà Nẵng đang mở rộng xúc tiến quan hệ hợp tác với một số thành phố khác như: Kobe, Yaidu, Fukuoka và Ohtawara.

Về hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đến nay Đà Nẵng đã có hơn 120 doanh nghiệp và Văn phòng đại diện của Nhật Bản đang hoạt động ổn định, hiệu quả với tổng số vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động của thành phố. Tổng kim ngạch xuất khẩu Đà Nẵng - Nhật Bản năm 2013 đạt 205 triệu USD. Trên lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức ODA, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm dành cho Đà Nẵng nhiều dự án có quy mô lớn; tạo điều kiện nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong lĩnh vực giáo dục, thông qua Đại học Đà Nẵng, Nhật Bản giúp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và tuyển chọn nhân lực đào tạo tại Nhật. Đại học Đà Nẵng hiện có sự hợp tác trao đổi học thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học với 26 trường đại học tại Nhật Bản.

Trong bức tranh đầy màu sắc về quan hệ hữu nghị, hợp tác Đà Nẵng - Nhật Bản, hoạt động đối ngoại nhân dân đã diễn ra khá phong phú. Hằng năm, Hội Hữu nghị Việt - Nhật phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan và các đối tác, bạn bè Nhật Bản tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, hữu nghị, giao lưu nghệ thuật, thể thao, âm nhạc, điện ảnh… góp phần vào việc tăng cường và củng cố tình hữu nghị Việt - Nhật…

ĐOÀN QUYÊN

;
.
.
.
.
.
.