.
GIÚP NGƯỜI TỪNG LẦM LỠ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

Nói không với sự phân biệt, kỳ thị

.

Thực hiện tốt công tác giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) là việc làm thể hiện rõ bản chất nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc, nhằm động viên, khuyến khích xóa bỏ kỳ thị, phân biệt với người có quá khứ lầm lỡ, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội - một trong những vấn đề gốc rễ của việc xây dựng thành phố đáng sống...

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND thành phố.
Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND thành phố.

Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương tại Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù, được tổ chức sáng 24-7.

Nhiều mô hình hay

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh về mọi mặt, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng số người vi phạm pháp luật cũng như số người chấp hành xong án phạt tù gia tăng hơn trước. Vì vậy, công tác thực hiện các biện pháp THNCĐ với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống luôn là vấn đề được thành phố quan tâm. Thành phố đã ghi nhận nhiều cách làm hay, hiệu quả từ các ngành, các cấp trong việc giúp nhiều người THNCĐ.

Trước hết, phải kể đến “Quỹ giải quyết việc làm cho đối tượng đã từng vi phạm pháp luật sau khi chấp hành hình phạt trở về (Quỹ hoàn lương)” được thành lập vào năm 2001. Qua 12 năm hoạt động, quỹ hoàn lương đã làm thủ tục cho vay 88 đợt, với 1.127 người được vay, tổng số tiền cho vay lên đến hơn 3,4 tỷ đồng. UBND thành phố đã trích nguồn dự phòng ngân sách thành phố cấp cho quỹ 2,5 tỷ đồng vốn ban đầu, còn lại là số tiền thu hồi nợ quay vòng. Hiện số người còn vay là 736 người, với số dư nợ 1,926 tỷ đồng.

Bên cạnh Quỹ hoàn lương, có thể kể đến mô hình “5+1” do Công an, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) tổ chức và chủ trì thực hiện. Đến nay, mô hình này đã quản lý, giúp đỡ 80/103 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương tiến bộ, trong đó có 42 người đã có việc làm ổn định. Mô hình “Một hướng, hai quản, ba tự giác” do UBND phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) tổ chức đã giúp 22 đối tượng được đặc xá, tha tù có công ăn việc làm THNCĐ. Mô hình “Hỗ trợ vay vốn” do Hội Phụ nữ phường Khê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn chủ trì), tổ chức thực hiện đã tạo điều kiện cho 10 lượt người vay, với tổng số vốn 85 triệu đồng, trong tổng số vốn huy động được 154 triệu đồng…

Cần vòng tay ấm áp từ cộng đồng

Theo kết quả khảo sát, từ năm 2002-2012, toàn thành phố có 2.637 người đã chấp hành xong án phạt tù về sinh sống, trong đó có 66 đối tượng đi tù lại. Riêng năm ngoái, có 686 người chấp hành xong án phạt tù thì có 46 người tái phạm và vi phạm pháp luật. “Có thể nói, so với hai đầu đất nước, tỷ lệ 46/686 người tái phạm sau khi hoàn thành án phạt tù là không cao nhưng là con số đáng suy nghĩ. Tại sao sau khi thực hiện xong án phạt trong tù, những người từng lầm lỗi vẫn tái phạm? Đó hẳn một phần trách nhiệm thuộc về bản thân họ, một phần thuộc về cộng đồng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nói.

Trung tá Phan Văn Tư - Trưởng Công an phường Hòa Khê, một trong những người sáng lập mô hình “Một hướng, hai quản, ba tự giác” cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với công tác giúp THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù là sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng. Còn với chị Vũ Thị Kim Minh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Khuê Mỹ, đóng vai trò nòng cốt của mô hình “Hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh” đối với người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương, chị không thể nào quên ánh mắt rụt rè của những người từng một thời lầm lỡ. Trước mặt chị, họ thường cúi mặt, lấy mũ che mắt, không dám trả lời khi được hỏi đến và phải mất rất nhiều giờ, nhiều ngày, chị Minh mới có được lòng tin nơi họ.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hồ sơ Tư pháp, Bộ Công an nói rằng, với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, họ cần rất nhiều thứ, không chỉ tiền bạc, công việc, mà điều họ cần nhất là tình cảm, vòng tay ấm áp từ cộng đồng. Cộng đồng ở đây là người thân, bạn bè, tổ chức, đoàn thể, xã hội. “Hãy yêu thương chân thành, hãy cảm thông, gần gũi và tạo mọi điều kiện có thể để giúp họ tiếp tục sống tốt”, Trung tướng Cao Ngọc Oánh kêu gọi.

Kết luận Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đề nghị, trong thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm THNCĐ, tiếp tục chủ trì việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ xin vay vốn THNCĐ trích từ Quỹ hoàn lương của thành phố; các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt THNCĐ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền công tác THNCĐ; nâng cao trách nhiệm, duy trì, phát triển hiệu quả các mô hình giúp THNCĐ…

Tại Hội nghị, 2 tập thể và 5 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND thành phố trong công tác giúp người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.