.

Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai

.

Tiếp thị xã hội (TTXH) là kênh trung gian giữa cung cấp miễn phí và thị trường thương mại. Hoạt động TTXH phương tiện tránh thai là việc sử dụng kỹ thuật thương mại kết hợp với các hoạt động phi thị trường nhằm tạo ra nhu cầu sử dụng của khách hàng, tạo ra sự sẵn có và khả năng tiếp cận dễ dàng đến sản phẩm TTXH phương tiện tránh thai.

Hội Kế hoạch hóa gia đình tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai.
Hội Kế hoạch hóa gia đình tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai.

Những năm qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được những kết quả vững chắc. Số người dùng các biện pháp tránh thai đạt mức 80% và khá ổn định, nhưng để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, cần phải chuyển đổi hành vi từ sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí sang TTXH và thị trường thương mại các phương tiện tránh thai. Đó cũng là cách để giảm bớt bao cấp của Nhà nước trong điều kiện ngân sách còn hạn chế và các tổ chức quốc tế không còn viện trợ phương tiện tránh thai miễn phí.  

Về mặt giá trị xã hội, hoạt động TTXH các phương tiện tránh thai giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, việc triển khai TTXH bao cao su và viên uống tránh thai nói chung còn tăng khả năng tiếp cận dễ dàng phương tiện tránh thai của mọi người, đặc biệt là những người độc thân, chưa có gia đình, vị thành niên, bảo đảm tính vững chắc của chương trình KHHGĐ.

Qua 2 năm triển khai chương trình TTXH, đa số người dân (không thuộc đối tượng miễn phí) đều đã hiểu và dần thay đổi thói quen từ “miễn phí hoàn toàn” sang “trả một phần kinh phí”.

Tuy nhiên, qua thực tế đối với vùng trung tâm thành phố, việc bán các phương tiện tránh thai theo thị trường có thuận lợi, trong khi đó tại một số vùng nông thôn như huyện Hòa Vang có một số khó khăn nhất định. Do thói quen của người dân trong việc sử dụng các phương tiện tránh thai miễn phí đã lâu, nay chưa quen với việc phải mua và sử dụng. Vì vậy, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt trong việc thay đổi nhận thức và tạo cho người dân tự giác đến với các dịch vụ tránh thai, hưởng ứng cùng chi trả một phần nhỏ vào sử dụng dịch vụ KHHGĐ. Trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của các ban, ngành, đoàn thể và các thôn đều đưa nội dung này vào trong dân, từ đó góp phần làm thay đổi dần quan niệm từ “bao cấp” trong lĩnh vực DS-KHHGĐ sang “cùng chi trả”, tạo sự đồng thuận, sự chấp nhận trả phí một phần của các đối tượng sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai tại địa phương. Đặc biệt, người dân đã chấp nhận sử dụng que cấy từ miễn phí đến chuyển qua tự trả. Qua 4 tháng triển khai, đến nay toàn huyện đã có 55 ca thực hiện, mỗi ca thực hiện dịch vụ 900.000 đồng.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, 3 tháng đầu năm nay, toàn thành phố tiếp thị xã hội các biện pháp tranh thai gồm: đặt dụng cụ tử cung 1.761 ca (đạt 32,6%), thuốc cấy 82 ca (đạt 18,2%), thuốc tiêm 334 ca (56%), viên uống 481 ca (22,5%), bao cao su 1.943 cái (29%). Việc TTXH các phương tiện tránh thai sẽ giúp mọi người biết thêm thông tin cần thiết về việc tránh thai ngoài ý muốn, các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, qua đó trở thành nếp sống văn minh, tiến bộ trong đời sống nhân dân.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.