.

Hỗ trợ tối đa cho ngư dân vươn khơi

.

* Hạ lãi suất cho vay đóng tàu mới xuống 5%/năm

* Ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam

“Trong 10 năm qua, nhìn toàn cảnh ngành thủy sản nước ta có 3 cái được: Thứ nhất đóng góp lớn cho nền kinh tế biển, thứ hai cuộc sống ngư dân từng bước được đổi thay; thứ ba ngư dân tham gia tích cực trong công tác bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 15-4.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương ven biển của cả nước. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến.

Nhiều hạn chế trong khai thác, đánh bắt

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đến năm 2013, nước ta có gần 118.000 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản (trong đó có 28.285 tàu có công suất trên 90 CV, chiếm 23,1% tổng số tàu cá), sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn/năm. Cả nước có 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22.000 tàu cá tham gia/145.000 lao động và 50 nghiệp đoàn được thành lập và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề khai thác thủy sản ở nước ta còn nhiều hạn chế. Cụ thể, có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ; 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ (thiết bị giao thông đường bộ); gần 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề, số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ mới 30%; số tàu công suất dưới 90 CV khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%), khiến nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, tuy đã hình thành 3.750 tổ, đội sản xuất với 145.000 lao động trên biển nhưng do thiếu chính sách hỗ trợ nên mức độ liên kết chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, việc hỗ trợ, đầu tư các phương tiện đánh bắt tại Đà Nẵng trong những năm qua luôn quán triệt theo chủ trương giảm số lượng tàu nhỏ, tăng số lượng tàu có công suất lớn. Nếu như năm 2003, Đà Nẵng chỉ có 48 tàu cá có công suất trên 90 CV, không có tàu trên 400 CV thì đến nay đã có 242 tàu cá có công suất trên 90 CV, 92 tàu cá trên 400 CV. Đà Nẵng có những cách làm riêng trong thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

Đặc biệt, để giúp ngư dân có nguồn kinh phí đóng tàu, từ năm 2012, Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7068 về việc hỗ trợ đóng tàu mới có công suất từ 400 CV trở lên với mức hỗ trợ từ 400 - 800 triệu đồng. Trong 2 năm đầu tiên, đã có 11 tàu được đóng mới với mức hỗ trợ hơn 5,8 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2014 chính quyền Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ đóng 10 tàu mới. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã mua bảo hiểm cho 3.000 ngư dân với mức bảo hiểm 20 triệu đồng/người/vụ; trang bị bộ đàm, ICOM, máy định vị cho hàng trăm ngư dân...

Cần chính sách hỗ trợ cho ngư dân

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tỷ lệ đánh bắt ven bờ của tỉnh chiếm 74% (tàu dưới 20 CV), gây cạn kiệt nguồn thủy sản, sản lượng đánh bắt rất thấp. Do đó, chủ trương chuyển đổi, cải hoán tàu công suất lớn cần có những chính sách mới từ Chính phủ. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã cùng với các địa phương ven biển tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó đặc biệt là vốn.

Theo như tính toán của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, việc khai thác vùng lộng của tàu công suất 60 CV thì mỗi năm lợi nhuận cũng chỉ đạt 60 triệu đồng/tàu. Còn đối với tàu lớn, khai thác xa bờ mỗi năm đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng/tàu. Biết lợi nhuận vậy, nhưng ngư dân không thể nào mạnh dạn để đầu tư tàu vươn khơi. Một phần nguyên nhân do chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều. Trong khi đó, người dân đóng tàu lớn từ 8-10 tỷ đồng thì chỉ vay tối đa của ngân hàng 2 tỷ đồng, số tiền còn lại phải mượn hoặc vay “nóng”, chủ yếu là các công ty “đầu nậu” thu mua hải sản, nên hiệu quả đem lại không cao.

"Chúng ta không thể để cho ngư dân đi vay “nóng”; lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu mới cũng phải giảm xuống còn 5%/năm, thời gian vay kéo dài 10 năm"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Chia sẻ vấn đề khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  Trần Thị Thu Hà cho rằng, trong quá trình hiện đại hóa ngành thủy sản, việc đóng tàu lớn hoặc tàu sắt để khai thác đánh bắt xa bờ rất cần thiết, nhưng vấn đề này gặp không ít khó khăn. Ngoài khó khăn về nguồn vốn, thì trình độ của ngư dân còn thấp, không vận hành được tàu lớn.

Do đó, bà Hà đề nghị cho đóng tàu nhưng phù hợp với trình độ của ngư dân và phù hợp với từng bộ phận đánh bắt. “Khi ngư dân chưa quen với việc sử dụng tàu công suất lớn hoặc tàu sắt thì cần có những mô hình để hỗ trợ; đồng thời có cơ chế, chính sách cho con em ngư dân đi học đại học, trung cấp, cao đẳng thuộc ngành nghề thủy sản”, bà Hà cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển…; đồng thời hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ đào tạo nhân lực nghề cá; xem xét miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên ngành khai thác để khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác và quản lý khai thác thủy sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Quân cảng Hải quân Vùng 3.         Ảnh: V.N
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Quân cảng Hải quân Vùng 3. Ảnh: V.N

Tạo điều kiện tối đa cho ngư dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải quán triệt một cách sâu sắc Chiến lược Biển bởi đây là tiềm năng, lợi thế lớn của đất nước, là không gian sinh tồn để chúng ta phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, gắn liền với đó để chúng ta bảo vệ chủ quyền quốc gia và là nơi để chúng ta hội nhập quốc tế. “Trong 10 năm qua, nhìn toàn cảnh ngành thủy sản nước ta có 3 cái được: Thứ nhất là đóng góp lớn cho kinh tế biển; thứ hai cuộc sống ngư dân từng bước được đổi thay; thứ ba là ngư dân đã tham gia tích cực trong công tác bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Hiện tại, ngành đánh bắt hải sản nước ta đứng thứ 9 thế giới; giá trị xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: lượng tàu khai thác gần bờ còn nhiều; 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ (thiết bị giao thông đường bộ); việc ngư dân dùng thuốc nổ đánh bắt còn nhiều; còn tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh không lành mạnh; chất lượng hải sản kém, ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản; vẫn còn xảy ra tính riêng lẻ, không đoàn kết trong ngư dân…

Cần hỗ trợ tích cực để ngư dân đóng thêm nhiều tàu công suất lớn, hiện đại vươn khơi bám biển.
Cần hỗ trợ tích cực để ngư dân đóng thêm nhiều tàu công suất lớn, hiện đại vươn khơi bám biển.

Để tháo gỡ một số khó khăn cho ngành thủy sản thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành phải rà soát lại tất cả các chính sách; trong đó đặc biệt là chính sách về tín dụng cho ngư dân. Trước hết, phải ưu tiên cho những người có tàu, đóng mới tàu công suất cao hơn, hiện đại hơn, trong đó có tàu vỏ thép. Những tàu có công suất vừa phải nâng cấp, cải hoán lên để vươn khơi; đồng thời phải đầu tư tàu hậu cần. “Chúng ta không thể để cho ngư dân đi vay “nóng”; lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu mới cũng phải giảm xuống còn 5%/năm, thời gian vay kéo dài 10 năm.

Riêng các địa phương có chính sách hỗ trợ thêm thì tùy thuộc vào năng lực. Phải hỗ trợ tối đa cho ngư dân, để họ có điều kiện vươn khơi đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Về quản lý Nhà nước, Thủ tướng lưu ý cần phải từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất mới, hình thành các hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, các liên kết sản xuất… nhằm tạo chuỗi giá trị cao, bảo đảm hiệu quả sản xuất, an toàn hơn trong hoạt động nghề cá. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các khu neo đậu tàu thuyền để tiếp tục đầu tư, nâng cấp; tăng cường trang bị các phương tiện định vị để kịp thời liên lạc, kêu gọi ngư dân vào nơi tránh trú bão mỗi khi có thiên tai xảy ra. Các lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng cũng phải tăng cường trách nhiệm của mình, làm chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển…

Ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng động viên lực lượng kiểm ngư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng động viên lực lượng kiểm ngư.

Sáng 15-4, tại Quân cảng Vùng 3 Hải quân (Đà Nẵng), Bộ NN&PTNT tổ chức lễ ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến.

Báo cáo tại buổi lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, lực lượng kiểm ngư Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29-11-2012 của Chính phủ và Quyết định số 3285/QĐ-BNN-TCCB ngày 28-11-2012 của Bộ NN&PTNT. Theo đó, kiểm ngư Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam, đồng thời góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Lực lượng kiểm ngư được tổ chức từ Trung ương đến các vùng, gồm: Cục Kiểm ngư có trụ sở tại Hà Nội và 4 chi cục kiểm ngư vùng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên các vùng biển Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Sự kiện ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện thực thi pháp luật trên biển, góp phần giúp ngư dân an tâm sản xuất trên biển. Nhiệm vụ của lực lượng hết sức nặng nề. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm ngư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; đồng thời yêu cầu Bộ NN&PTNT nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng 2030; chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho lực lượng kiểm ngư hoạt động.

Sau buổi lễ ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã đến thăm các tàu, động viên lực lượng kiểm ngư tại quân cảng.

AN NHIÊN

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.