.

Báo chí đồng hành với sự phát triển của Quảng Ninh

LTS: Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2014 diễn ra ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 17 đến 18-4, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu mang đến hội nghị nhiều thông tin thú vị về sự đồng hành của báo chí đối với quá trình phát triển của tỉnh. Báo Đà Nẵng xin trích giới thiệu bài phát biểu này.

Xác định vai trò, vị trí và công lao đóng góp quan trọng của báo chí, tỉnh Quảng Ninh luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt đến hoạt động báo chí như: tạo điều kiện tốt nhất để các nhà báo làm việc; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí trong đời sống xã hội; xử lý nghiêm những hành vi cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật; quy hoạch quỹ đất phù hợp để các cơ quan thông tin báo chí thường trú xây dựng văn phòng, ổn định lâu dài, gắn bó mật thiết máu thịt với Quảng Ninh; xây dựng các chương trình kế hoạch hợp tác với một số báo; xây dựng chế độ cung cấp thông tin cho báo chí thông qua việc định kỳ hoặc đột xuất giao ban công tác tuyên giáo. Khi có sự kiện quan trọng, “nóng bỏng”, tỉnh đều tổ chức họp báo và có thông cáo báo chí kịp thời, tạo thuận lợi cho tác nghiệp của các phóng viên và cơ quan báo chí. Tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh công khai các thông tin trên báo chí, nhất là những vấn đề dễ gây bức xúc hiện nay như giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu kiện, các thủ tục hành chính rườm rà... nhằm phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết mọi vấn đề một cách minh bạch, công khai rõ ràng. Tỉnh rất coi trọng thành quả lao động của báo chí, luôn coi báo chí là nguồn thông tin quan trọng để giúp nắm bắt tình hình, bám sát công luận, qua đó cổ vũ mạnh mẽ cái tốt, lên án những tiêu cực, yếu kém; giúp Đảng, chính quyền tự sửa mình để ngày càng tốt hơn.

Đến với Quảng Ninh hôm nay, các nhà báo đã có mặt tại một địa phương có nhiều khác biệt mà không có nơi nào có được: Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Quảng Ninh có nhiều cảnh quan nổi trội có một không hai, như Di sản - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới Vịnh Hạ Long. Quảng Ninh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. Con người, văn hóa và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên của Việt Nam và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Quảng Ninh là trung tâm văn hóa lớn, với 4 di tích lịch sử văn hóa quốc gia cấp đặc biệt; nơi khởi phát thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam; nơi duy nhất có bậc minh quân lỗi lạc từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại giá trị tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc, là nguồn sức mạnh tinh thần bất diệt cho muôn đời sau.

Khó khăn và thách thức

Trong những năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang phải đối mặt với 2 mâu thuẫn xung đột: giữa việc giải phóng tiềm năng thế mạnh to lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn phải đối mặt với 4 thách thức: thách thức trong việc đồng thời phải phát triển kinh tế - xã hội vừa phải giữ vững quốc phòng- an ninh, bảo đảm độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ tại khu vực tiền tiêu Tổ quốc; thách thức giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; thách thức giữa phát triển đô thị nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.

Với những mâu thuẫn, thách thức lớn, đồng thời đứng trên lăng kính thẳng thắn tự nhìn lại mình, Quảng Ninh nhận thấy vẫn còn những yếu kém rất đáng quan tâm. Kinh tế có biểu hiện tăng trưởng nóng, thu ngân sách nội địa còn dựa vào ngành than là chủ yếu; phát triển đô thị nóng, khai thác tài nguyên thiếu bền vững, để lại hậu quả môi trường nghiêm trọng. Hàm lượng công nghệ chưa cao (xuất thô là chủ yếu); hiệu quả đầu tư thấp, chỉ số ICOR cao 7,8 lần (cả nước là 5,5). Hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, yếu và chưa đồng  bộ, chưa có đường cao tốc, sân bay. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu (lao động được đào tạo chỉ đạt 50%); khoảng cách giàu nghèo còn cao (20% nhóm người giàu và 20% nhóm người nghèo chênh lệch trên 8 lần). Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chi phí hành chính cao trên 50% tổng chi ngân sách, tham nhũng tiêu cực còn tiềm ẩn phức tạp.

Con người là yếu tố quyết định sự phát triển

Để phát huy thật tốt tiềm năng, thế mạnh, giải quyết hiệu quả những thách thức mâu thuẫn và yếu kém hạn chế trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn quán triệt, cụ thể hóa sáng tạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, từ trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần khát khao tìm tòi, sáng tạo nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế mới; tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Những nhiệm vụ trọng tâm có thể kể đến:

- Tạo sự đột phá về thể chế. Chúng tôi đã nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện những chỉ đạo của Trung ương về hai đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” và Đề án “Xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn”. Bên cạnh đó, mạnh dạn nghiên cứu, thí điểm và từng bước áp dụng các mô hình quản lý: “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “sử dụng công, đầu tư tư” cho việc xây dựng, vận hành các khu kinh tế, khu công nghiệp, các thiết chế văn hóa..., qua đó nâng cao hiệu quả nhiều mặt.

- Tạo sự đột phá về hạ tầng. Trước hết tập trung xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch quan trọng; đồng thời huy động mọi nguồn lực, thức đẩy phát triển thành phần kinh tế sở hữu hỗn hợp, công - tư kết hợp để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.

- Tăng cường dân chủ để phát huy cao độ quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân. Thúc đẩy dân chủ trong kinh tế bằng việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để giải phóng mọi nguồn lực trong nhân dân, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển một cách bình đẳng. Tăng cường dân chủ trong chính trị; coi trọng việc tạo cơ chế để nhân dân thể hiện ý kiến, tham gia vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, hoạch định chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn bản pháp quy, thúc đẩy và xây dựng quy trình tăng cường dân chủ trực tiếp của người dân...

- Coi cải cách hành chính là trọng tâm của cải cách thể chế: Chúng tôi đang nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới bộ máy theo hướng tinh giản tổ chức, biên chế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, vận hành có hiệu quả các trung tâm hành chính công của tỉnh và các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí; đẩy mạnh xã hội hóa, thúc đẩy dịch vụ tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa...

- Xác định con người là yếu tố quyết định sự phát triển. Chúng tôi từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy xây dựng Trường Đại học đa ngành Hạ Long và các trường, trung tâm đào tạo nghề; làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và luân chuyển cán bộ; tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý cấp sở.

- Nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao và làm chủ khoa học - công nghệ. Hằng năm bố trí 4-5% chi thường xuyên (mức quy định của Quốc hội là không dưới 2%), đồng thời gắn khoa học công nghệ với giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

- Tập trung thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới phát triển một cách bền vững, góp phần làm giàu khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và biên giới, hải đảo.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, để thực hiện được những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp như vậy, điều kiện tiên quyết là phải có sự thấu hiểu, đồng thuận, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân. Thật may mắn, đây chính là mặt trận, là thế mạnh của Hội Nhà báo Việt Nam, của các  cơ quan thông tấn báo chí và các nhà báo, những người đồng chí, người bạn thân thiết, những đối tác chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Tại hội nghị này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, tôi bày tỏ mong muốn tha thiết được các đồng chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá những giá trị khác biệt nổi trội của mảnh đất và con người Quảng Ninh; chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, thách thức; giúp đỡ chúng tôi nhìn nhận, đấu tranh với những hạn chế yếu kém trong quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh; đồng thời ủng hộ những công việc trọng tâm mà Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện.

Báo chí đã luôn đi tiên phong trong việc cung cấp và định hướng thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển của đất nước, của tỉnh Quảng Ninh tới đông đảo nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giải quyết các bức xúc xã hội và tiêu cực mà dư luận quan tâm, đồng thời quảng bá giới thiệu các giá trị khác biệt của Quảng Ninh; đưa thế giới đến Quảng Ninh và đưa Quảng Ninh ra với thế giới để hòa nhập với xu thế toàn cầu và hội nhập.

PHẠM MINH CHÍNH

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

;
.
.
.
.
.