.
Triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam"

Đà Nẵng hướng về Hoàng Sa

.

Sáng 24-3, Trường ĐH Đông Á phối hợp với Sở Ngoại vụ, UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng khai mạc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” dành cho cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường. Triển lãm kéo dài đến ngày 29-3.

Sinh viên Trường ĐH Đông Á tìm hiểu các tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Sinh viên Trường ĐH Đông Á tìm hiểu các tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Ngay sau buổi khai mạc, hàng nghìn cán bộ, giáo viên và sinh viên Trường ĐH Đông Á hào hứng tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử, chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua 70 tư liệu, bản đồ, hiện vật quý hiếm được trưng bày tại triển lãm.

Sinh động, bổ ích với sinh viên

Đứng trước những tấm bản đồ về chủ quyền Hoàng Sa được các nhà hàng hải, thương nhân người Bồ Đồ Nha, Nhật Bản, Pháp… vẽ, nhiều sinh viên Trường ĐH Đông Á nhìn say mê và nói rằng “đây là những bằng chứng quý giá, cực hiếm mà cha ông ta để lại cho hậu thế”.  

Nguyễn Thị Xuân An, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tận mắt chứng kiến những tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Qua đó, em mới biết rõ là từ lâu rồi, cha ông ta đã đặt chân đến quần đảo Hoàng Sa xác lập chủ quyền liên tục đối với quần đảo này. Việc Trung Quốc dùng vũ lực, bất chấp luật pháp quốc tế cưỡng chiếm trái phép là hết sức phi lý, không thể chấp nhận được”. Còn sinh viên Trần Văn Nguyên, ngành Quản trị Kinh doanh cho rằng không riêng gì Nguyên, mà nhiều sinh viên khác lâu nay ít có điều kiện tiếp xúc, tận mắt nhìn các tư liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Không chỉ có các sinh viên háo hức đến với triển lãm, nhiều cán bộ, giáo viên Trường ĐH Đông Á cũng không giấu được sự xúc động khi xem các hình ảnh, tư liệu qua các thời kỳ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo, cố vấn học tập lớp 11ĐHKT1A.2A tâm sự: “Trong những ngày chuẩn bị triển lãm, sinh viên tỏ ra rất hào hứng. Tôi nghĩ triển lãm có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ, nhất là với sinh viên. Hy vọng sau triển lãm này, sẽ còn nhiều cuộc triển lãm về biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để sinh viên có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin chính thống, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền trong mỗi cá nhân”.

Còn nhớ nghĩa là chưa mất!

Trong buổi khai mạc triển lãm diễn ra một hình ảnh khá xúc động: các sinh viên Trường ĐH Đông Á đã tặng bức tranh cát bản đồ Việt Nam cho Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là tác phẩm mà các sinh viên làm trong suốt nửa tháng thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

Theo GS, TSKH Lê Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á, triển lãm là dịp để thầy và trò nhà trường nâng cao nhận thức, củng cố tinh thần đoàn kết, phát huy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và sinh viên trong việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Qua đó, giáo viên, sinh viên có những hiểu biết về những giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền không thế chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. “Sinh viên thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, từ đó tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước”, GS, TSKH Lê Văn Hoàng nhắn nhủ thêm.

Tại buổi khai mạc triển lãm, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, không giấu được sự xúc động. Ông nói, đây không chỉ là hoạt động chính trị chào mừng 39 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 và giải phóng miền Nam 30-4, mà còn là chủ yếu để tưởng niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực… “Có thể nói, giờ đây lòng mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng một khát vọng: Phải đòi lại Hoàng Sa! Người Đà Nẵng bao giờ cũng luôn nhắc nhở mình và dạy con cháu: Huyện Hoàng Sa thân yêu của mình vẫn đang bị ngoại bang chiếm đóng, thành phố quê hương mình vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng! Và còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên. Mà muốn nhớ thì lòng mỗi người Đà Nẵng phải trở thành một Vọng Hải Đài luôn đau đáu nhìn về phía khơi xa”, ông Bùi Văn Tiếng nói thêm.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.