.

18 tỷ đồng sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách

.

Tại Hội nghị triển khai hỗ trợ sửa chữa 900 nhà cho đối tượng chính sách do UBND thành phố tổ chức ngày 27-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo phải bảo đảm chất lượng và tiến độ. 

Bàn giao nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách ở huyện Hòa Vang.
Bàn giao nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách ở huyện Hòa Vang.

Tháng 10-2013, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở với tổng kinh phí thực hiện 18 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Trung ương là 14,4 tỷ đồng và thành phố là 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2013, thành phố chưa tiếp nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương nên Đề án chưa triển khai. Không để các đối tượng chính sách phải chờ đợi, lãnh đạo thành phố quyết định chủ động triển khai huy động các nguồn lực hỗ trợ sửa chữa nhà cho người có công sớm trong cả nước.

Chuyển tiền 2 đợt

Các địa phương và các đơn vị đã thống nhất cùng chung tay vận động các nguồn lực hỗ trợ sửa chữa 900 nhà cho đối tượng chính sách. Trong đó, nhiều nhất là Đảng ủy khối Doanh nghiệp: 100 nhà, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố 60 nhà, quận Liên Chiểu 50 nhà…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đơn vị “chủ công” trong việc này cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát lần 1, chỉ chọn những đối tượng có đủ điều kiện và địa phương cùng chúng tôi nhận trách nhiệm này. Chúng tôi sẽ không chuyển kinh phí một lần mà chuyển từng đợt. Khi nào việc sửa chữa hoàn thành 80% mới chuyển tiền đợt 2”.

Đồng tình với quan điểm của bà Hưng, bà Hà Thị Minh Phượng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nói: “Thực tế có nhiều đợt chuyển tiền ngay thì tiền đã sử dụng hết mà nhà vẫn dang dở, mãi không hoàn thành được. Bởi vậy, việc chuyển tiền nên thực hiện dần dần”. Bà Phượng cũng nêu ý kiến phải khảo sát thật kỹ và nhiều lần. “Có đợt, hai đối tượng cùng được hỗ trợ sửa chữa nhà nhưng đến khi chúng tôi khảo sát thì mới “té ngửa” bởi hai đối tượng đó là hai vợ chồng trong cùng một gia đình”, bà Phượng cho biết.  

Bà Cao Thị Huyền Trân, Phó ban Văn hóa-Xã hội thuộc HĐND thành phố, cho rằng nên rà soát kỹ danh sách đề nghị sửa chữa vì sau mùa mưa bão năm vừa qua đã có nhiều hộ khó khăn hoặc nhà cửa bị xuống cấp.

Dự toán kinh phí sửa chữa mỗi nhà 20 triệu đồng. Bà Hưng cũng đề nghị UBND thành phố giải quyết trước nguồn kinh phí đối ứng đã được phê duyệt trong đề án là 3,6 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách khoảng hơn 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng gần 300 hộ sửa chữa nhà. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh thống nhất với yêu cầu trên và đề nghị Sở Tài chính triển khai theo ý trên.

Tự sửa chữa nhà thì không đưa vào danh sách hỗ trợ

Theo ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, nên chăng vẫn đưa những hộ chính sách đã tự vay mượn sửa chữa nhà vào danh sách hỗ trợ đợt này. “Quận Cẩm Lệ có 10 hộ gia đình chính sách khó khăn, trong đó có 5 hộ vì nhà quá xuống cấp nên đành vay mượn sửa chữa tạm và 2 hộ được hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để sửa chữa. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên đưa họ vào danh sách hỗ trợ đợt này vì hầu hết là hộ khó khăn”, ông Phi nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh, không nên đưa những hộ trên vào danh sách hỗ trợ. “Có thể với những nhà tình nghĩa trước đây chúng ta hỗ trợ xây dựng nhưng kinh phí còn thấp nên xuống cấp thì giờ đề nghị sửa chữa. Song, với những hộ đã tự vay mượn bỏ kinh phí sửa rồi thì không đưa vào danh sách hỗ trợ nữa mà Sở LĐ-TB&XH sẽ xuống khảo sát lại. Nếu họ còn khó khăn thì sẽ dùng nhiều nguồn quỹ - chẳng hạn như quỹ đền ơn đáp nghĩa - để hỗ trợ thêm”, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo.

Việc hỗ trợ người có công cách mạng sửa chữa nhà sẽ được tiến hành 2 đợt: đợt 1 triển khai hỗ trợ sửa chữa gần 500 nhà, hoàn thành trước tháng 7; đợt 2 hỗ trợ sửa chữa những nhà còn lại và phải hoàn thành trước tháng 9 năm nay. Sở LĐ-TB&XH đã thành lập tổ công tác do một Phó Giám đốc phụ trách, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ triển khai, việc tiếp nhận kinh phí, tiến độ sửa chữa nhà của gia đình chính sách, hướng dẫn lập hồ sơ thanh quyết toán và đề xuất giải quyết những vấn đề nảy sinh. “Việc hỗ trợ 20 triệu đồng chỉ như bước khởi đầu để các địa phương, đơn vị tự tìm nguồn lực và chính mỗi hộ tự thân vận động để hoàn thành nhà, có chỗ an cư ổn định. Tùy tình hình thực tế, nếu hộ nào có nhà quá xuống cấp, không thể sửa chữa thì các địa phương có thể linh động tìm nguồn giúp họ xây lại nhà. Phải làm sao bảo đảm chất lượng mà vẫn đúng tiến độ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.