.
Nghề đá chẻ Hòa Sơn

Có thu nhập nhưng nặng nhọc và nguy hiểm

.

Giữa cái nắng hầm hập của tiết trời mùa hè, những âm thanh ồn ào, tiếng đục đẽo, cưa xẻ rộn ràng vang lên khắp làng trên, xóm dưới. Vài chiếc xe chở hàng chạy vào, chạy ra, bụi bay mù mịt. Tiếng người í ới gọi nhau bốc dỡ hàng hóa… Những hình ảnh đó đập vào mắt chúng tôi khi đặt chân đến làng đá chẻ Hòa Sơn - một nghề “hái ra tiền” như cách ví von của nhiều người dân nơi đây. Và, đây cũng là nghề đối mặt với nhiều nguy hiểm như tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân.

Nguồn thu nhập ổn định

Em Lê Phước Tiến đang tranh thủ giúp mẹ những lúc rảnh rỗi.  

Sống gần các mỏ đá Hố Mùn, Trường Bản (thôn Xuân Phú), Lộc Hòa (Hòa Khê), Đại La…, từ đầu năm 2000, một số người dân ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đã làm quen với nghề chẻ đá để tạo việc làm, tìm thu nhập. Từ vài hộ dân, đến nay toàn xã có hơn 1.000 lao động làm nghề đá chẻ với thu nhập bình quân 60.000 - 70.000 đồng/người/ngày. Với người nông dân quanh năm cày xới trên mảnh đất khô cằn bởi không có hệ thống thủy lợi, thì đây là một nghề mang lại nguồn thu nhập khá, giúp họ có điều kiện xây dựng nhà cửa, tạo công ăn việc làm cho gia đình.

Trên con đường vào thôn Phú Hạ, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy trong những chiếc lều căng tạm bợ bên hè nhà, trên những bãi đất trống, nhiều “công nhân” đang cần mẫn với công việc cưa, chẻ, bó đá thành từng khối. Trong căn lều trước một sân nhà tại tổ 8, thôn Phú Thượng, chị Lê Thị Vân Lan cho biết: “Chồng tôi mất để lại hai đứa con dại, những ngày vất vả bám víu vào mấy sào ruộng, mấy con heo không đủ để lo cho con ăn học. Từ vài năm nay, gia đình bắt đầu làm quen với nghề chẻ đá này. Tuy cực nhọc, nhưng tiền bạc thoải mái hơn chút đỉnh, trong nhà cũng sắm sửa được nhiều thứ”. Mỗi ngày chị và hai con làm cật lực cũng thu nhập được khoảng 200.000 đồng. Có tiền, chị đầu tư mua thêm 2 máy cưa, xẻ đá và gọi mấy đứa cháu bà con đến làm. Giờ đây, trong chiếc lều trước nhà, ngày nào cũng có từ 4 đến 6 lao động làm việc cưa, chẻ đá.

Tại một lán trại khác, chúng tôi gặp anh Lê Minh Thủy, quê Gia Lai. Anh Thủy cho biết, hầu như ngày nào anh cũng có việc để làm. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định mỗi ngày, anh mạnh dạn mua thêm máy xẻ đá, cùng vợ thuê thêm nhân công về làm. Ông Nguyễn Cư (65 tuổi), tổ 2 thôn Phú Hạ cho biết, ngày trước gia đình ông rất khó khăn, mỗi ngày phải lên núi mót củi cũng chỉ kiếm được khoảng 10.000 đồng. Từ ngày làm thuê tại các cơ sở chẻ đá, mỗi ngày họ trả cho ông khoảng 50.000 đồng. Có hôm làm nhiều, ông cũng kiếm gần 100.000 đồng. Số tiền này đã giúp gia đình ông mua thêm gạo, thức ăn trong ngày. “Hơn nữa, chúng tôi là nông dân, làm việc nặng nhọc quen rồi, nên giờ làm nghề chẻ đá cũng không mấy khó khăn. Chịu cực chút đỉnh mà kiếm đồng ra, đồng vào, ở cái xã miền núi này thế là tốt rồi. Hơn nữa, những thanh niên không có điều kiện học hành, nay không phải đi làm thuê các nơi  mà có thể ở nhà, quây quần bên gia đình để làm đá”. Ông Cư vui vẻ giải thích như vậy. 

Ông Phạm Xem, Chủ tịch xã Hòa Sơn cho biết, hiện toàn xã có khoảng 60 hộ sản xuất quy mô (có thu thuế từ đầu năm 2006), không tính những hộ nhỏ lẻ (không thu thuế). Công việc chẻ đá thu hút hơn 1 nghìn lao động. Rất nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để mở cơ sở. Đá được lấy về từ một số mỏ đá khai thác tại địa phương, được “chẻ” ra và bán lại cho các hộ, các cơ sở cần đá. Hiện nay, nguồn đá này chủ yếu chuyển đến các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang… Từ ngày có nghề chẻ đá, đời sống nhân dân ở các thôn Phú Hạ, Xuân Phú, Đại La… cải thiện đáng kể, nhiều nhà đã có của ăn của để.  Mức thu nhập ổn định đã thu hút được phần lớn lao động tại địa phương. Không những thế, nhiều lao động từ phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An... cũng đã tìm đến đây làm công nhân.

Tuy làm ra tiền và khá ổn định, nhưng người dân nơi đây cũng đang lo lắng với giá cả nguyên liệu đá chẻ hiện nay trên thị trường. Vào thời điểm năm 2003, giá mua đá từ mỏ thấp, chỉ 30 - 35 ngàn đồng một khối đá. Khi mua về, chẻ ra theo từng loại, từng kiểu cách cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng rồi bán ra với giá cao, khoảng 60 - 70 ngàn đồng/m2. Nhiều hộ gia đình thu nhập không dưới 5 - 6 triệu đồng/tháng (thậm chí 10 triệu đồng/tháng) sau khi đã trừ các chi phí. Nhưng hiện nay, mua từ mỏ một khối đá đã lên trên 100.000 đồng, trong khi bán ra thị trường chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng/m2. Điều này đồng nghĩa với việc, thu nhập của người dân tuy vẫn ổn định nhưng đã giảm nhiều so với trước đây.

Nghề không phân biệt tuổi tác

Nhờ nghề đá chẻ, nhiều gia đình đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang.  

Công việc chẻ đá ở đây diễn ra quanh năm, suốt tháng. Buổi trưa, tiếng cưa xẻ, đập đá thỉnh thoảng vẫn vang lên ở một lều trại nào đó. Ông Ngô Tấn Huy, trưởng thôn Phú Hạ cho biết, có những thời điểm nhu cầu đá ở thị trường cao, nhiều cơ sở đá làm đến 9, 10 giờ đêm mới nghỉ. Khi ấy, nhiều gia đình, cơ sở tại gia đã huy động cả trẻ em vào công việc này để kiếm thêm thu nhập.

Em Lê Phước Triều, con chị Lê Thị Vân Lan cho biết: “Những tháng hè, em đều giúp mẹ chẻ đá để kiếm thêm tiền mua sách vở, quần áo. Lúc đầu làm chưa quen nhưng giờ thì tụi em đã quen rồi. Hơn nữa, thỉnh thoảng mẹ còn cho tiền để giải khát, sinh nhật bạn bè. Có nghề này, tụi em cũng yên tâm hơn, nếu sau này học không được nữa thì về phụ giúp mẹ làm đá chẻ để kiếm thu nhập”.

Cũng như nhiều hộ dân trong thôn Phú Hạ, cả gia đình bà Nguyễn Thị Sáu đều làm nghề đá chẻ. Hai vợ chồng bà đã gần 60 tuổi nhưng mỗi ngày vẫn chẻ hàng khối đá. Trong lán trại của gia đình, chồng bà cùng cậu con rể đang cưa đá ra từng miếng vuông vức. Ngồi cạnh đó, mấy “lao động nhỏ tuổi” đang chẻ đá và bó lại thành từng bó, mỗi bó tương đương với 1m2 đá thành phẩm, chờ xe đến chở đi các nơi. Bà Sáu cho biết, có những ngày thương lái đến đặt hàng nhiều, bà phải huy động tất cả con cháu trong nhà ra làm. Quang cảnh làm việc như một công trường xây dựng, ồn ào nhưng khá vui và làm quên đi sự nặng nhọc của nghề đá chẻ. 

(Còn nữa)
Đoàn Lương - Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.