Quang Dũng, hơn một huyền thoại

.

Thật hiếm có nơi đâu hùng tráng như những cựu binh của đoàn quân “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy...”. Đã những sáu - bảy mươi năm rồi, những mái đầu bạc phơ sương gió ấy còn quây quần ngồi lại với nhau tổ chức kỷ niệm sinh nhật cho bài thơ Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng. Cũng thật hiếm hoi có một bài thơ nào suốt quá trình lịch sử văn học nước ta lại được thấm đẫm hương hoa mừng sinh nhật tuổi sáu mươi, rồi tuổi bảy mươi như bài thơ Tây Tiến.

Căn phòng tầng 2 ngôi biệt thự cổ tại Hà Nội - nơi nhà thơ Quang Dũng làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Văn học. Ảnh: NGUYỄN NHÃ TIÊN
Căn phòng tầng 2 ngôi biệt thự cổ tại Hà Nội - nơi nhà thơ Quang Dũng làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Văn học. Ảnh: NGUYỄN NHÃ TIÊN

Vâng, mùa xuân 2018 này tuổi “Tây Tiến” tròn 70 kia đấy, cái tuổi mà đối với con người thường được ví von “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” như dự báo sắp khép lại một vòng đời. Nhưng cái đẹp của một bài thơ, hay của bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào thì khó mà tính vòng đời nọ hay vòng đời kia. Mượn câu nói của Dostoievsky: “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới” để hiểu ra ý nghĩa trường cửu của thời gian về một cái đẹp vĩnh hằng. Tôi cũng không rõ lắm sức vóc của “Tây Tiến” có bất sá thời gian hay không, hay là còn siêu việt lớn lao hơn thế nữa. Chỉ có điều, đứa con vạm vỡ và hào hoa của thi sĩ Quang Dũng, cho đến tuổi đã 70 rồi, nhưng Tây Tiến vẫn lung linh tỏa sáng cái đẹp, không chỉ trong tâm hồn của những cựu binh Tây Tiến mà còn luôn lấp lánh vị trí hàng đầu của cả nền thi ca kháng chiến.

Trên con đường xanh ngát bóng núi về Mai Châu tỉnh Hòa Bình bây giờ, trên tấm bia chiến tích của đoàn quân Tây Tiến năm xưa, bài thơ “Tây Tiến” đã được trích đoạn khắc vào đấy như những dòng hồi quang vĩnh cửu. Sức sống một bài thơ lộng lẫy, mãnh liệt và kiêu bạc đến nhường ấy, có thể nói đấy không chỉ là biểu tượng về một cái đẹp vừa hào hùng, bi tráng của một phiên hiệu đơn vị, mà còn là di sản văn hóa văn học trong mảng đề tài viết về những cuộc trường chinh hùng vĩ của dân tộc. Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời/ Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi/ Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/.../ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Nếu ai đã có lần hào sảng đọc thơ ấy vang lên giữa núi non trầm hùng này, chắc sẽ nghe được nghìn âm thanh rừng thiêng vọng lại. Tiếng nghìn thu hay tiếng của người vừa lướt qua trong gió thoảng, trong khoảnh khắc đó cơ hồ ta gặp lại một Quang Dũng khói sương quanh quất đâu đây như một thoáng mờ phai.

Thi sĩ Bùi Giáng tưởng như hết lời xiển dương ngợi ca thơ Quang Dũng: “Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới - vâng - cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi... Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ”. Tôi còn nhớ thời chiến tranh, hoàn cảnh đất nước chia cắt như thế, vậy mà thơ Quang Dũng vẫn vang ngân khắp phố phường miền Nam. Đặc biệt nhất là Tạp chí Văn học (Sài Gòn) thời đấy đã đến hai lần xuất bản ấn phẩm chủ đề về Quang Dũng (các số tạp chí 125/71 và 140/71).

Quang Dũng (1921-1988)
Quang Dũng (1921-1988)

Dường như xưa nay những bậc tài hoa càng sáng danh chừng nào thì lại càng vây quanh lớp lớp những giai thoại, những huyền thoại. Thêu dệt cũng có, mà vì yêu thương quá đỗi lại thêm tình tiết ly kỳ cũng có, tài năng hào hoa như thi sĩ Quang Dũng chắc không ngoại lệ được. Giả dụ như những nghi vấn về thân thế của ông. Quang Dũng họ Bùi hay họ Nguyễn, hay họ Trần? Không rõ người ta căn cứ vào tài liệu nào, ngoài cái lý do những địa danh quê chung Sơn Tây, Ba Vì..., rồi gán tên Quang Dũng là Nguyễn Khắc Phục, là con trai của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Cho mãi  đến khi hai nhà văn Vũ Bằng và Phan Kim Thịnh, truy tìm cái lý lịch của nhà thơ Quang Dũng qua một người thân của ông đang sinh sống tại Sài Gòn lúc bấy giờ, mới xác minh Quang Dũng chả phải con cụ Tản Đà nào hết mà tên thật của ông là Bùi Đình Diệm, quê ở Đan Phượng - Hà Đông (nay là Hà Nội). Thú thật, thời ấy nghe vậy biết vậy, tôi cũng chả biết gì hơn ngoài thuộc lòng một số bài thơ của Quang Dũng cũng như mọi “tín đồ” yêu thơ ông.

Cái duyên để tôi vạch những lớp khói sương tiếp cận thơ và đời của thi sĩ Quang Dũng nhiều hơn bắt đầu từ sau năm 1975, cụ thể là từ khi tôi có dịp quen thân với chị Bùi Phương Thảo - con gái út của nhà thơ Quang Dũng. Có những lần ở Hà Nội, Bùi Phương Thảo đã lấy xe máy chở tôi loanh quanh ngang qua những nơi ngày xưa nhà thơ từng làm việc ở đó, và cứ mỗi nơi là một câu chuyện kể. Ví như, “Trên tầng hai ngôi biệt thự cổ lở lói kia, chỗ nhánh cây cơm nguội đâm vào cửa sổ ấy là nơi bố Quang Dũng ngồi làm việc, thời ông làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Văn học”. Chạy xe qua một con đường khác, dừng lại trước một căn nhà cũ kỹ rêu phong, Bùi Phương Thảo lại nói tiếp: “Gian nhà này là nơi ba em ở vào những ngày tháng cuối đời”...

Cứ thế tôi đi với Thảo, hay có lúc đi một mình, chả can cớ gì nhưng lại như một kẻ đi tìm thời gian đã mất. Tôi không nhớ ai đó đã bảo rằng: nơi đẹp nhất là nơi ta gặp trong tâm tưởng. Vâng, điều đó thì rất thật, như có lúc tôi lang thang lên tận xứ Đoài. Mây trắng thì ở đâu không mây trắng, nhưng mây trắng xứ Đoài là thứ mây có linh hồn. Nếu không thế thì làm gì tôi như người say, đi mà cứ véo von trên đường: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có khi nào em nhớ thương!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.