Việc làm nhỏ, hạnh phúc lớn

.

Một năm trôi qua, thành phố được chứng kiến không ít những câu chuyện “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của chị nhân viên, anh tài xế... Chuyện tưởng bình thường như ai cũng có thể làm được, nhưng ở trong hoàn cảnh ấy, đứng trước khối tài sản khổng lồ ấy mới rõ lòng người. Và Đà Nẵng ấm áp hơn, bình yên hơn cũng nhờ những hành động “bình thường” như thế.   

Chị Trần Thị Anh (Phòng Thanh tra, Bảo vệ-Pháp chế, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng): Người dân Đà Nẵng nào cũng sẽ làm như tôi

Chị Trần Thị Anh
Chị Trần Thị Anh

Sự việc trả lại số tiền 1 tỷ đồng cho người mất đã trôi qua rất lâu. Nói thật, khi hành xử như vậy, tôi chỉ làm theo bản năng chứ không nghĩ sâu xa. Lúc cầm bịch tiền trên tay, tôi chỉ nghĩ: tiền này không phải của mình. Đó có thể là tiền mồ hôi nước mắt người ta tích cóp cả đời mới có được. Không lý gì mình giữ làm của riêng. Sử dụng đồng tiền không do mình làm ra hẳn sẽ không thể thanh thản. Hơn nữa, trong gia đình, tôi luôn lấy sự thật thà làm gốc để dạy con cái. Tôi chỉ đang thực hành lời dạy của mình chứ chưa nghĩ đến việc to tát là xây dựng hình ảnh đẹp cho thành phố. Nếu không phải tôi, tôi tin, bất cứ người dân Đà Nẵng nào cũng sẽ làm như vậy.

Trước đó, như Báo Đà Nẵng đã đưa tin, ngày 24-2-2017, trên đường đi làm về, chị Trần Thị Anh nhặt được một túi ni-lông, bên trong có hộp ô mai và rất nhiều tiền mặt. Do trời mưa nên chị trú nhờ trước cửa hàng Viettel (226 Ngũ Hành Sơn) và chờ người mất quay lại tìm. Khoảng 5 phút sau, bà Nguyễn Thị Thanh Thu (trú tại ngõ 38 Thanh Xuân, Hà Nội) quay lại tìm kiếm. Lúc này, chị Anh tiến lại hỏi và được biết bà Thu vừa đánh rơi 1 tỷ đồng do con gái nhờ đặt cọc tiền đất. Chị Anh nhanh trí xác minh và được bà Thu trả lời bên trong chiếc túi có kèm thêm hộp ô mai. Sau khi biết chính xác, chị Anh đã trả lại toàn bộ tài sản cho người đánh rơi trước sự chứng kiến của nhiều người.

Anh Phan Thanh Trinh (Đội quản lý trật tự và du lịch biển): Người ta mất cũng như mình mất

Anh Phan Thanh Trinh
Anh Phan Thanh Trinh

Trong năm qua, 3 lần tôi nhặt được tài sản có giá trị do du khách đánh rơi. Lần thứ nhất là một chiếc túi xách, trong đó có 1.000 đô la Hong Kong và 40 bảng Anh của du khách Anh. Lần thứ hai là chiếc điện thoại di động có giá trị của du khách người Trung Quốc. Gần đây nhất, tôi nhặt được 2 triệu đồng của một cụ già người địa phương. Thực sự, lúc nhặt được tài sản, việc tôi nghĩ đến đầu tiên là phải cố gắng làm sao liên hệ với người bị mất đồ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu vợ mình, hay người trong gia đình mình, thậm chí bản thân mình ra đường bị rớt tiền, ví, điện thoại… thì hẳn sẽ rất tiếc nuối, dẫn đến tâm trạng khó chịu, ảnh hưởng đến công việc của ngày hôm ấy. Hơn nữa, công việc tôi đang làm là về dịch vụ du lịch, tôi hiểu nếu du khách đến Đà Nẵng mà bị mất tài sản thì ấn tượng của họ về thành phố sẽ xấu đi, dẫu họ có được phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ tốt như thế nào. Không chỉ riêng tôi mà hơn 60 anh em trong đội đều lấy sự thật thà làm tiêu chí để đánh giá hiệu quả công việc.

Anh Hoàng Sỹ Lương (tài xế taxi Tiên Sa): Đó chỉ là hành động bình thường

Anh Hoàng Sỹ Lương
Anh Hoàng Sỹ Lương

Ngày 29-11-2017, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng trao tặng giấy khen cho anh Hoàng Sỹ Lương (27 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vì đã có hành động đẹp “trả lại 200 triệu đồng cho du khách bị bỏ quên”… Trước đó, lúc 9 giờ 45 ngày 21-11, anh Hoàng Sỹ Lương nhận chở khách đến quán cà-phê trên đường Bạch Đằng. Sau khi xuống xe, khách đánh rơi một chiếc túi nhựa, bên trong đựng tiền. Ngay lập tức, anh Lương liên hệ về tổng đài và trả lại cho du khách. Sau khi được khen thưởng, nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhắn tin hỏi thăm; anh Lương chia sẻ: “Bản thân tôi cảm thấy hơi ngại khi được mọi người khen ngợi, gọi điện, nhắn tin hỏi han. Tôi nghĩ đó chỉ là hành động bình thường mà ai rơi vào hoàn cảnh đó cũng hành xử giống như mình. Đây là lần thứ ba tôi nhặt được đồ rơi và gửi trả lại thành công cho chủ nhân món đồ đó. Tôi vui vì việc làm nhỏ của mình khiến người khác hạnh phúc”.

HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.