Những "chiến binh" thầm lặng

.

Đội huấn luyện chó nghiệp vụ (Phòng Tham mưu, BĐBP thành phố Đà Nẵng) được thành lập từ năm 2011, có nhiệm vụ bảo vệ và đánh nguồn hơi ma túy, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác như: chống bạo loạn, phối hợp chống khủng bố...  

Mật phục đối tượng.
Mật phục đối tượng.

Khác với hình dung về những chú chó béc-giê dũng mãnh như trên phim ảnh, chó ở đây trông hiền lành, dễ mến. Thấy có khách lạ, chúng chỉ kêu lên mấy tiếng rồi ngoan ngoãn nằm dưới gốc cây… hóng chuyện. “Tất cả chó của đội đều tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc”, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Văn Kiên, Đội trưởng kiêm huấn luyện viên (HLV) cho biết.

Tôi từng nghe chó nghiệp vụ của BĐBP mỗi con có một cái tên, một mã số, hồ sơ xuất xứ rõ ràng, nhưng khi mục sở thị mới biết còn nhiều điều mới lạ. Chó được tuyển sinh, được đào tạo và “thi tốt nghiệp” tại Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ BĐBP (Ba Vì, Hà Nội).

Sau 2 năm huấn luyện các chuyên ngành: chó chiến đấu, chó cứu nạn, chó phòng chống ma túy… có con đạt giỏi và có con vẫn phải “thi lại”. Đây cũng là nơi tuyển sinh HLV. Sau một năm học tập các nội dung về quân sự, chính trị, tâm lý loài chó và thực hành trên chó sắt mô hình, các HLV tương lai được bốc thăm chọn “bạn chiến đấu” của mình.

“Mỗi con được đánh một số thứ tự, ai bốc được số nào thì nhận con đó”, HLV Trần Văn Kiên chia sẻ. Chó nhập trường đã độ một năm tuổi nên những ngày đầu HLV và học viên làm quen với nhau cũng khá khó khăn. Khi đã “quen hơi, bén mùi”, cả hai bắt đầu thực hành huấn luyện các nội dung: khám nghiệm hiện trường (đánh nguồn hơi), truy vết, chọn vật, canh gác bảo vệ mục tiêu…

Nhờ những ngày gian nan vất vả, người và chó dần trở thành đôi bạn thân thiết. Và điều đặc biệt sau khi ra trường, chó và HLV cùng được phân công công tác tại một đơn vị. HLV đó sẽ gắn bó với chú chó nghiệp vụ của mình cho đến lúc chó không còn khả năng làm việc. Vì thế, không ai có thể hiểu được chó nghiệp vụ ở trung tâm bằng chính HLV của nó.

Đại úy QNCN Trần Văn Kiên nêu ví dụ: “Tôi là HLV của con Ka-zu, con Rex của đồng chí Trần Đức Tín, con Đốp của đồng chí Nguyễn Luân, con Rin-cu của đồng chí Nguyễn Văn Chiều”. Khi chó thực hiện nhiệm vụ, con nào tham gia thì do HLV đó chỉ huy. Trong công tác huấn luyện, chó đã qua trường lớp, đã được hình thành các kỹ năng nghiệp vụ nên tại đơn vị, các HLV chỉ cần huấn luyện củng cố theo quy định của Bộ Tổng tham mưu.

Chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.
Chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.

Chúng là những chiến binh, là “vũ khí sống” của lực lượng BĐBP nên việc chăm sóc chó nghiệp vụ phải luôn cẩn trọng. Với chế độ, tiêu chuẩn trên cấp là 37.000 đồng/ngày/con, nhà bếp phải tổ chức chế biến, thay đổi các món ăn như nấu cháo, hầm xương, bổ sung thức ăn khô…, sao cho chó phải ăn hết. Các HLV ở đây cho biết: “Chó ốm thông thường thì chúng tôi tự xử lý được, còn khi bị bệnh nặng phải thuê ta-xi đưa đến các cơ sở thú y nổi tiếng của thành phố để chữa trị. Có những bệnh có khả năng lây lan sang người nên nghề này cũng khá nguy hiểm, độc hại”.

 Mỗi khi chuẩn bị đi phép, đi công tác, việc bàn giao chăm sóc chó của các HLV cũng vô cùng kỹ lưỡng. Trước tiên phải chọn HLV nào có vẻ thân thiện với chú chó của mình, sau đó viết biên bản bàn giao sổ sách, tình trạng sức khỏe, ăn uống của chó. Tuy nhiên, khi chó bệnh, dù HLV đang đi phép ở xa cũng phải khẩn trương trở về đơn vị.

Từng học chung một trường, ra trường cùng thực hiện nhiệm vụ tại một đơn vị nên giữa chó và HLV đã hình thành một thứ tình cảm vô cùng đặc biệt. Khi nói về con chó do mình quản lý, Đại úy Kiên cười bảo: “Con Ka-zu tốt nghiệp năm 2011 loại xuất sắc, ngoài tôi ra, hầu như không ai sờ được nó. Mọi nhiệm vụ đều hoàn thành tốt, nhưng mỗi tội nó hơi xấu trai”. Theo quy luật tự nhiên, thời gian sử dụng hết khoảng 8 đến 10 năm, chó già và khi chết chúng được chôn cất như những người lính. Còn HLV có thể trở lại trường để nhận học trò mới hoặc chuyển sang công tác khác. Song mỗi con chó với một HLV như một người bạn tâm giao không dễ gì quên được nên nhiều HLV sau khi không còn chó thường chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác như vận động quần chúng, hoạt động vũ trang.

“Năm 2017, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm và các đồn biên phòng tham gia khám xét 9 lần với 18 lượt chó nghiệp vụ và 18 lượt HLV”, Đội trưởng Trần Văn Kiên cho biết. Ngoài ra, đội còn phối hợp với Công an Đà Nẵng phá một số vụ án trộm cắp, buôn bán ma túy, tham gia diễn tập chống khủng bố cắn bắt đúng đối tượng.

Đại úy Kiên nhớ lại: “Cuối 2015, hai đối tượng trộm cắp dây điện trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị truy đuổi nên đã bỏ lại một chiếc ba lô đựng quần áo. Khi bị bắt, chúng quanh co chối tội. Cơ quan công an đã đề nghị đơn vị phối hợp điều tra. Con Ka-zu được lên đường thực thi nhiệm vụ. Nó đã đánh hơi chiếc ba lô, sau đó xác định nguồn hơi, chỉ đích danh thủ phạm”.

Hoặc khi tham gia điều tra tội phạm ma túy, trước tình trạng người dân hiếu kỳ bỏ qua lời nhắc nhở của cơ quan chức năng, chó nghiệp vụ được phân công cảnh giới ngăn chặn người dân xâm nhập hiện trường. Về nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, lúc đầu đội được bố trí ở mép biển bán đảo Sơn Trà, nhưng sau đó phương án thay đổi, đơn vị được lệnh cắm trại, sẵn sàng lên đường khi có tình huống an ninh xảy ra.

NGUYỄN SỸ LONG

;
.
.
.
.
.